Theo trình bày của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới) (viết tắt Ban Quản lý dự án) tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn ngày 17/2/2014, để hoàn thiện công trình xây dựng Nhà Quốc hội (mới) cần có con đường cứu hỏa (có khi gọi là đường nội bộ) giáp với Khu di sản đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới ngày 1/8/2010. Theo đó, con đường này lấn sang mốc giới phía Đông khu di sản là 3m, phía bắc không đều, khoảng trên dưới 1,5m. Diện tích lấn sang khu di sản khoảng 450 m2.
Đơn kiến nghị cho biết, Hội đồng Tư vấn khoa học của UBND Thành phố Hà Nội, trong đó có đại diện của ba Hội, đã kịch liệt phản đối và nếu làm như thế là vi phạm Luật di sản văn hóa, vi phạm Công ước bảo tồn Di sản Thế giới của UNESCO và vi phạm cam kết: bảo vệ tính toàn vẹn và nguyên trạng toàn bộ vùng lõi của Khu di sản đã được Thủ tướng Chính phủ cam kết năm 2010. Đơn kiến nghị, được ký bởi Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam: PGS. TS Tống Trung Tín, chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam: PG.TSKH Lưu Trần Tiêu, chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: GS. NGND Phan Huy Lê, bày tỏ sự ngạc nhiên là một bản thiết kế vi phạm luật quốc gia và quốc tế như vậy lại được phê duyệt.
Tuy nhiên do yêu cầu khẩn trương hoàn thành xây dựng Nhà Quốc hội, Hội đồng Tư vấn khoa học đã đưa ra một giải pháp dung hòa là thiết kế xây dựng một ranh giới mềm giữa Nhà Quốc nhội và Khu di sản, phần trên rải cỏ với điều kiện khi thi công đơn vị xây dựng không được đào sâu vào lòng đất vượt quá 1m không để xâm hại di sản.
Mặt khác, Hội đồng Tư vấn khoa học cũng yêu cầu khi thi công các hạng mục của hạ tầng kỹ thuật tại khu vực C- D, các đơn vị liên quan phải tuân thủ nghiêm ngặt Luật Di sản văn hóa và chịu sự giám sát của cơ quan quản lý di sản với yêu cầu bảo vệ an toàn tuyệt đối Khu di sản.
Đơn kiến nghị cho biết, ngày 15/7/2014 theo yêu cầu của Hội đồng, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội đã mời tới thăm khu C- D thì thấy đang diễn ra những hiện tượng vi phạm Khu di sản rất nghiêm trọng:
1. Tại khu vực giáp ranh giữa Nhà Quốc hội và Khu di sản, đã xây dựng xong phần lớn các thành phần của con đường cứu hỏa với một bức tường bằng bê tông cốt thép nằm trong phạm vi di sản, có chỗ cao đến 3-4m ở sát thành hố khai quật và một số đoạn đường ống thoát nước cũng đào sâu vào phần đất của Khu di sản. Như vậy là một bộ phận của di sản khảo cổ nằm dưới con đường này và bị phá hủy nghiêm trọng.
2. Toàn bộ khu C-D đã biến thành công trường xây dựng vô cùng ngổn ngang với những container, vật liệu xây dựng, phế thải, xe máy, nhà ở của công nhân... và đặc biệt phản cảm là một dãy nhà vệ sinh công cộng đặt ngay trên mặt bằng của Di sản Thế giới.
3. Sau khi bàn giao khu C-D cho Ban Quản lý dự án, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội gần như bị vô hiệu hóa, cán bộ ra, vào tác nghiệp bảo tồn phải xin phép và gặp nhiều khó khăn. Điều đó gây ra hậu quả tai hại như sau:
Thứ nhất: Các hố khảo cổ bị ngập nước, thành hố bị xói lở, các di tích trong lòng hố bị xâm hại nghiêm trọng.
Thứ hai: Công nhân xây dựng tự do ra vào trong khu di sản, quanh các hố khảo cổ trong điều kiện không có cán bộ bảo tồn giám sát nên không tránh những va chạm làm một số di tích, di vật trong các hố khảo cổ bị xê dịch và có thể mất mát.
Thứ ba: Nhiều hố khảo cổ bị rác, vật liệu xây dựng vứt ném bừa bãi, làm hư hỏng các di vật khỏa cổ đã xuất lộ.
Những việc làm trên là sự vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa và Công ước quốc tế về bảo vệ Di sản Thế giới của UNESCO.
Theo đơn kiến nghị, nguyên nhân sâu xa để xảy ra tình trạng đáng tiếc nói trên là do cấp trên yêu cầu UBND TP Hà Nội bàn giao mặt bằng khu C-D cho Ban Quản lý dự án mà không có điều kiện bắt buộc phải chịu sự giám sát của cơ quan bảo tồn, từ đó dẫn tới việc các cơ quan xây dựng tự do xây dựng bừa bãi bất chấp các quy định của nhà nước về công tác bảo tồn.
Trước tình hình khẩn cấp như trên, Hội KHLS, Hội DSVH và Hội KCH VN kiến nghị lãnh đạo Chính phủ:
1. Xem xét cử đoàn thanh tra, đánh giá tình hình xây dựng vi phạm Luật Di sản văn hóa tại Khu di sản, đánh giá nguyên nhân để xảy ra tình trạng đáng tiếc nói trên tại Khu di sản C-D.
2.Thủ tướng Chính phủ chủ trì hoặc ủy nhiệm một Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì một buổi họp gồm các thành phần liên quan và dại diện Hội đồng tư vấn khoa học, đánh giá mức độ bị xâm hại của di sản, tìm ra nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức, đưa ra các giải pháp khắc phục.
3. Trong các giải pháp khắc phục, 3 Hội trên đề nghị cần xử lý khẩn cấp mấy việc sau đây:
Giao cho Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội tiến hành cứu nguy các hố khai quật bị ngập nước và bị hư hỏng; nghiên cứu và thực hiện biện pháp lấp cát bảo tồn di tích trong lòng đất.
Ban Quản lý dự án phải chịu sự giám sát của cơ quan bảo tồn, phải thu dọn ngay những nhà ở của công nhân, nhà vệ sinh công cộng và tất cả tình trạng bừa bãi hiện nay, trả lại bằng của Khu di sản.
Vì trách nhiệm bảo tồn một Di sản Thế giới tiêu biểu cho những giá trị, văn hóa của Thăng Long- Hà Nội và của cả dân tộc, 3 Hội khẩn thiết kiến nghị Chính phủ, các cấp lãnh đạo đặc biệt quan tâm và có sự chỉ đạo kiên quyết, kịp thời để chấm dứt những vi phạm đối với di sản. Theo 3 Hội này, nếu không khắc phục khẩn cấp và có hiệu quả, chắc chắn Khu di sản sẽ bị UNESCO cảnh báo và có nguy cơ bị rút khỏi danh sách Di sản Thế giới./.