Đây là sự kiện có ý nghĩa bổ sung kết quả nghiên cứu, hoàn thiện Hồ sơ khoa học về khu di tích này trước khi chính thức bàn giao Hồ sơ khoa học cho Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội quy hoạch, bảo tồn và phát huy, quảng bá giá trị khu di sản vào cuối năm nay.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: “Giá trị nổi bật và tính độc đáo của khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã được nhìn nhận một cách tổng quát là có nhiều tầng văn hóa của nhiều thời kì, nằm chồng xếp, đan xen, tiếp nối nhau không đứt đoạn. Đó là: các di tích thời Đại La (thế kỉ 7-9), Đinh - Tiền Lê (thế kỉ 10), các di tích kiến trúc thời Lý và Trần (thế kỉ 11-14), các di tích kiến trúc thời Lê (thế kỉ 15-18) và các dấu tích cảnh quan, sông ngòi…”

Bên cạnh đó, khu di tích này còn tìm được hàng triệu di vật khảo cổ, trong đó có nhiều đồ gốm, sứ của Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Á, chứng tỏ mối quan hệ, giao lưu kinh tế, văn hóa của Thăng Long trong lịch sử. Mặc dù đã được đầu tư nhưng việc nghiên cứu khoa học tại khu di tích vẫn còn nhiều vấn đề chưa được hiểu biết đầy đủ, chưa đủ cơ sở để lập hồ sơ khoa học cho từng loại hình di tích đó theo quy chuẩn. 

anh%20xau%20vai.jpg
Buổi tọa đàm thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. (ảnh: Phương Thúy)

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho hay: “Muốn nhận thức sâu hơn, đầy đủ hơn, chi tiết hơn về diện mạo, quy mô, tính chất, chức năng, niên đại, hình thái của từng công trình kiến trúc, từng loại hình kiến trúc của Hoàng thành Thăng Long thì vẫn còn là những vấn đề cần thời gian để nghiên cứu tỉ mỉ.”

Trong buổi làm việc sáng nay, các đại biểu cũng tham gia thảo luận về kết quả nghiên cứu di tích khu A – B. Đây là 2 trong 4 khu di tích của Hoàng thành Thăng Long được đặt tên. Kết quả nghiên cứu khẳng định: đây là khu vực có vị trí quan trọng trong trung tâm cấm thành Thăng Long, với cung điện, lầu gác vốn từng được xây dựng công phu.

Một số lượng lớn các loại hình di vật như phù điêu, tượng tròn, ngói lợp mái trang trí rồng, phượng được tìm thấy ở đây cho thấy kiến trúc Hoàng thành Thăng Long được thiết kế với sự phô bày, thể hiện vương quyền của hoàng đế. Đồng thời điều đó cũng phản ánh sinh động rằng, đây vừa là trung tâm hành chính của các vương triều, vừa là cung cấm của các hoàng đế nhà Lý, Trần, Lê kế tiếp nhau trị vì đất nước./.