- Di tích Hoàng thành Thăng Long trở thành công viên văn hóa lịch sử
- Công bố Quy hoạch di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long
Di sản Văn hóa thế giới Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội bao gồm Khu di tích Thành cổ Hà Nội và Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Tuy nhiên đến nay đơn vị quản lý Khu di tích là Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội chưa được tiếp nhận, bàn giao 4,72 ha diện tích của Khu di tích Thành cổ.
Đối với Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu có diện tích 4,53ha, sau khi Viện Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tiến hành công tác khai quật, thăm dò khu vực xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình. Tại đây các nhà khoa học đã khai quật hàng triệu di vật khảo cổ học. Đồng thời tiếp tục công tác nghiên cứu chỉnh lý, phân loại, lập hồ sơ khoa học về di tích và di vật góp phần được UNESCO công nhận. Để phù hợp với cam kết của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện khuyến nghị của Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS), trong đó nhấn mạnh “Bảo đảm sự thống nhất quản lý khu di sản, chuyển giao toàn bộ vùng đất thuộc khu di sản cho UBND thành phố Hà Nội quản lý”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, đến nay, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội vẫn chưa được Trung tâm nghiên cứu Kinh Thành là đơn vị thay thế Viện Khảo cổ học bàn giao quản lý khu C-D và toàn bộ hồ sơ, kết quả nghiên cứu hiện vật tại khu A-B.
Khó thực hiện cam kết với ICOMOS
Tiến sĩ Sơn cho rằng, việc chưa thống nhất quản lý di sản hiện nay là chưa phù hợp với cam kết của Thủ tướng về việc thực hiện khuyến nghị của ICOMOS đối với Hồ sơ vận động UNESCO công nhận khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long- Hà Nội là Si sản Văn hóa Thế giới.
Cũng theo Tiến sĩ Sơn việc chưa bàn giao dẫn đến hệ lụy là Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý, nghiên cứu, trưng bày, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích. Thực hiện theo Luật Di sản Văn hóa và Quy chế thăm dò, khai quật khảo cổ học, giấy phép khai quật thì sau khi kết thúc khai quật lớn chậm nhất là 2 năm phải có báo cáo khoa học, thống kê hiện vật gửi cơ quan quản lý. Nhưng đến nay tại khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, các cơ quan quản lý chưa biết số lượng, số loại di vật và chưa bàn giao cho Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội là điều khó hiểu và rất cần sự trả lời minh bạch trước dư luận.
Ngoài ra, Tiến sĩ Sơn cho hay muốn thực hiện được Quyết định số 696/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể mặt bằng Khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu trước hết, Viện Khảo cổ phải hoàn tất báo cáo khoa học và phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội kiểm kê toàn bộ hồ sơ di tích, di vật cho Trung tâm quản lý.
“Với chức năng được giao, chúng tôi sẽ di chuyển số di vật tại kho bảo quản tạm thời, tiến hành giải phóng mặt bằng, phối hợp với Sở Quy hoạch- Kiến trúc tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc, lập thiết kế chi tiết để trình phê duyệt và tổ chức đầu tư xây dựng, việc bảo tồn tôn tạo, phát huy giá trị khu di sản. Nếu kéo dài tình trạng hiện nay, việc thực hiện Quyết định Thủ tướng sẽ không đảm bảo tiến độ Chính phủ chỉ đạo”- Tiến sĩ Sơn nói./.