Thời gian tới đây, Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu sẽ được quy hoạch thành công viên văn hóa lịch sử với không gian trưng bày mở. Theo đó, công chúng và du khách sẽ được thưởng ngoạn, tìm hiểu, hưởng thụ di sản trực tiếp. Đây đang được xem là phương thức mới giúp công chúng tiếp cận di sản một cách thực tế đồng thời hỗ trợ nhà khoa học xác định phương án bảo tồn một cách hiệu quả.

Theo quy hoạch khu Hoàng thành Thăng Long - Di sản văn hóa thế giới, sẽ trở thành công viên văn hóa lịch sử, thể hiện được ý nghĩa của khu di sản thế giới có lịch sử tồn tại và phát triển liên tục từ hơn 1.300 năm trước. Tại 18 Hoàng Diệu, sẽ quy hoạch nơi trưng bày, bảo quản tại chỗ để bảo vệ các hố khai quật hiện nay. Ngoài ra, còn có nhà trưng bày các hiện vật được tìm thấy tại khu Hoàng thành.

congchinhhoang-thanh.jpg

Cổng chính Hoàng thành Thăng Long

Công trình mới trong khu di tích 18 Hoàng Diệu sẽ có chiều cao dưới 5m và hạn chế xây dựng các công trình nổi. Trong quy hoạch cũng xác định xây dựng một đường ngầm qua trục Hoàng Diệu để kết nối khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và Thành cổ. Nội bộ khu di tích sẽ thiết kế hai tuyến đường tham quan chính và đường dạo kết nối các điểm tham quan…

Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết: “Đây không chỉ là bảo tồn các giá trị của di sản mà còn là phát huy giá trị đó. Quy hoạch lần này chỉ rõ những mục tiêu và yêu cầu phát huy. Sẽ có những khu để người dân tiếp cận được với thông tin và những giải pháp kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và tổ chức cho cộng đồng người dân tiếp cận được khu di tích này. Chúng ta không bảo tồn nó để thành một hiện vật chết mà bảo tồn nó với những định hướng phát huy giá trị và nâng tầm di tích với thế giới”.

Việc Khu di tích Hoàng thành trở thành công viên mang một ý nghĩa rất lớn. Đây là phương thức hữu hiệu để trả di tích về với nhân dân. Nó không chỉ giúp cho công chúng, khách tham quan hiểu rõ hơn về di sản, di chỉ khảo cổ, diện mạo kiến trúc, mà còn giúp các nhà khoa học xác định phương án bảo tồn một cách tốt hơn.

Tại đây, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng những hiện vật nguyên sơ còn trong lòng đất như chiếc thuyền cổ nằm trên dòng sông xưa. Chiếc thuyền không được lấy lên mà được phủ kính, chụp ảnh phục dựng được nguyên hình ảnh.

Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, thành viên Hội đồng Tư vấn khoa học Khu di tích Hoàng thành Thăng Long cho biết: “Một nét của quy hoạch này đó là không có tường và đấy là tính mở, đấy là sự mời gọi mọi người đến. Chúng ta đã tham khảo rất kỹ di tích cố đô Nara của Nhật Bản. Ở đó có nhiều nét tương đồng với Hoàng thành Thăng Long. Và bên họ đã làm rất cẩn thận từ vài chục năm nay rồi”.

Thực tế cho thấy không phải lúc nào giá trị di sản cũng được bảo tồn và phát huy một cách đúng đắn. Ở nhiều nơi thay vì phát huy giá trị di sản, chính quyền địa phương “o bế, đóng hộp” di sản đã vô tình hủy hoại  sức sống của di sản. Điển hình như việc sân khấu hóa Hội Gióng, “hiện đại hóa” tại Quần thể di tích cố đô Huế hay “Đàn Nam Giao mới” của Thành nhà Hồ… đã khiến di sản rời xa nguồn sống.

Do đó, việc ra đời Công viên lịch sử văn hóa Hoàng thành Thăng Long cho thấy quyết tâm của các nhà quản lý trong việc đưa di sản về với nhân dân. Theo ông Phạm Cao Phong, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại, Tổng thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam, các nhà chuyên môn sẽ đảm bảo tính khoa học để những di chỉ khảo cổ đó không bị hư hỏng trong quá trình thăm khám. “Việc khai quật đó sẽ cho chúng ta giá trị của Hoàng thành Thăng Long trong thời gian tới”-ông Phong nhấn mạnh.

Tìm lối ra cho việc bảo tồn, phát huy di sản thế giới luôn là trăn trở của những cơ quan hữu quan và cả tổ chức, cá nhân yêu mến di sản. Và cách nhà quản lý đưa khu di tích Hoàng thành Thăng Long đến với công chúng, bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong lòng dân đang hứa hẹn là hướng đi đúng đắn cho vấn đề này./.