Gắn bó 23 năm với nền khảo cổ Việt Nam, Tiến sĩ người Nhật Bản Nishimura Masanari đã qua đời ở tuổi 49 sau một vụ tai nạn giao thông vào hôm 9/6 tại Hà Nội.
Theo đó, vào ngày 9/6, Tiến sĩ khảo cổ học Nishimura Masanari đã tử nạn trong một vụ tai nạn giao thông trên đường 5 (từ Hà Nội đi Hải Phòng) khi đang đi xe máy xuống khu vực khảo sát chuẩn bị cho một cuộc khai quật mới.
Tiến sĩ khảo cổ học Nishimura Masanari (Ảnh: Tuổi trẻ) |
Hiện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ở Hà Nội và Viện Khảo cổ học Việt Nam đang phối hợp, hỗ trợ gia đình của nhà khoa học để chuẩn bị công việc hậu sự cho ông. Viện Khảo cổ học sẽ đứng ra tổ chức tang lễ cho nhà khảo cổ học này. Do cả hai vợ chồng ông Nishimura đều gắn bó với Việt Nam nên gia đình có nguyện vọng thực hiện việc tang lễ theo nghi thức của một người Việt. Vì vậy, dự kiến Tiến sĩ Masanari sẽ được hỏa táng tại đài hóa thân Hoàn Vũ. Sau đó, tro cốt của ông sẽ được gia đình mang về Nhật Bản. Tiến sĩ Nishimura Masanari sinh năm 1965, sinh ra và lớn lên tại thành phố Shimonoseki, Nhật Bản. Tốt nghiệp khoa khảo cổ học Trường Đại học Tokyo. Năm 1990 Nishimura Masanari bắt đầu đến Việt Nam trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa các nhà khoa học Nhật Bản và Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật một số mộ cổ ở Nghĩa Đàn (Nghệ An). Ông có tên tiếng Việt là Lý Văn Sỹ và nói tiếng Việt rất tốt.Trong 23 năm gắn bó với nền khảo cổ Việt Nam, ông đã đóng góp nhiều công trình nghiên cứu khảo cổ có giá trị. Đặc biệt phải kể đến việc ông phát hiện ra mảnh khuôn đúc trống đồng duy nhất từ trước đến nay, có niên đại khoảng thế kỷ 1-3 sau Công nguyên vào tháng 11/1998.
Đây là mảnh khuôn đúc trống đồng duy nhất từ trước tới nay phát hiện được ở Việt Nam và là một tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu về trống đồng, qua đó khẳng định trống đồng được đúc ra từ chính Việt Nam, chứ không phải từ nơi khác mang đến.
Tiến sĩ Nishimura tại một bãi khai quật (Ảnh: Tuổi trẻ) |
Ông còn là người có công đóng góp cho việc xây dựng Bảo tàng gốm Kim Lan và Dương Xá, tại Bắc Ninh. Cũng chính ông cùng đồng nghiệp khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện các khuôn đúc mũi tên tại Luy Lâu. Những khuôn đúc này cho thấy những mũi tên có niên đại thời kỳ An Dương Vương được sản xuất tại chỗ.
Sau khi bảo vệ thành công luận án thạc sĩ nghiên cứu về công cụ đá của văn hóa Hòa Bình và văn hóa Sơn Vi, năm 2006 Nishimura tiếp tục bảo vệ luận án Tiến sĩ với đề tài nghiên cứu về khảo cổ học ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Mê Kông - Đồng Nai. Hiện Nishimura đang công tác tại Viện Khảo cổ học Việt Nam. Ông cũng là người sáng lập Quỹ Bảo vệ di sản văn hóa dưới lòng đất Đông Nam Á.Trước sự ra đi đột ngột của nhà khảo cổ học Nishimura Masanari, nhiều nhà khoa học trong ngành đã bày tỏ sự tiếc thương vô hạn. Phó Giáo sư Nguyễn Lân Cường, Phó Tổng thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam chia sẻ: "Sự ra đi của ông Nishimura Masanari khiến cả ngành khảo cổ Việt Nam sững sờ"./.