Dân ca Ví, Giặm có nhiều giá trị nghệ thuật mang tầm cỡ nhân loại và do đó đã thuyết phục được những thành viên khó tính nhất trong Ban thẩm định hồ sơ của Công ước 2003 cùng khuyến nghị tích cực đối với hồ sơ của Việt Nam.
Phát biểu trước toàn thể phiên họp thứ 9, đại diện Ban thẩm định nhấn mạnh: "Chúng tôi đưa ra kết luận rằng hồ sơ Dân ca Ví Giặm của Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn đề ra, Ban thẩm định nhận thấy hồ sơ rất thuyết phục, dân ca có giá trị này được hát trong mọi hoạt động đời sống của người Việt, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thể hiện bản sắc, thông tin đa dạng. Ban thẩm định đề ra một số biện pháp cho công tác bảo tồn, trong đó có sự phối hợp giữa nhà nước và cộng đồng."
Sức sống mãnh liệt, sự phổ biến sâu rộng trong cộng đồng, trong mọi hoạt động của cuộc sống đời thường, đó là những giá trị mà các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao ở Dân ca Ví Giặm.
Tiếp theo việc được công nhận là phải tiến hành bảo tồn làm sao để gìn giữ được các giá trị đó trường tồn. Phát biểu trong những giờ phút thiêng liêng ngay khi Dân ca Ví Giặm được công nhận, lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đều cam kết sẽ có chiến lược bảo tồn phù hợp, trong đó rất chú trọng việc truyền dạy cho các thế hệ trẻ.
Giáo sư Trần Quang Hải cho rằng: "Dân ca ở vùng Nghệ Tĩnh, nơi ít người Việt Nam để ý đến, chúng ta chỉ biết hát phường vải, phường nón, ít ai biết đặc trưng của Dân ca Ví Giặm là thế nào. Hát Ví Giặm là hát ví, hát với tức là hát người này với người kia, hát đối đáp, loại hát đi liền với những sinh hoạt hàng ngày như dệt vải, làm nón, gặt lúa..."
Cũng theo chuyên gia âm nhạc truyền thống Trần Quang Hải, con trai Giáo sư Trần Văn Khê, những lời hát của dân ca Ví Giặm bộc lộ thể loại thiên phú của Việt Nam như lục bát, song thất lục bát, ngụ ngôn. Hát Giặm có nhiều tiết tấu thể hiện sự phong phú trong âm nhạc dân gian Việt Nam và thoát ra một cấu trúc về nhạc cụ phong phú, dựa trên những thang âm ngũ cung, tứ cung và tam cung - những thang âm rất đặc biệt của Việt Nam.
Theo chuyên gia di sản Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, thì công tác bảo tồn tốt nhất phải xuất phát từ người nghệ nhân.
"Giải pháp quan trọng nhất vẫn phải là nghệ nhân - nghệ nhân và nghệ nhân. Bởi vì người bảo tồn một di sản phi vật thể là nghệ nhân. Người nhân rộng phổ biến nó cũng là nghệ thuật. Người thưởng thức nó cũng là nghệ nhân, người sáng tạo và hưởng thụ nghệ thuật cũng là nghệ nhân. Các hội thi cần thiết, để lọc ra đâu là người nghệ nhân thực sự đâu là người thực hành, chứ không nên làm phong trào.
Điều quan trọng nhất là phải để họ truyền dạy lại mọi điều họ biết, mà không phải truyền dạy miệng như ngày xưa nữa mà phải thu âm, ghi hình để người học học trong điều kiện kỹ thuật mới. Nhưng quan trọng nhất là công nhận để người ta hành nghề, để truyền hết những cái quý giá mà người ta biết.", giáo sư Nguyễn Chí Bền nhấn mạnh.
Cũng theo Giáo sư Nguyễn Chí Bền, Việt Nam nên áp dụng bài học kinh nghiệm quý báu của nhiều quốc gia, điển hình như Nhật Bản, trong công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể - đó là cấp phép và tạo điều kiện hành nghề, sinh sống bằng nghề cho các nghệ nhân. Có như thế mới bảo tồn được nguyên vẹn và lâu bền các giá trị của di sản từ đời này sang đời khác./.