Sáng 30/10, tại Hà Nội, Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) tổ chức họp báo giới thiệu chương trình Giao lưu âm nhạc truyền thống Việt Nam - Thuỵ Điển được tổ chức ở Hà Nội từ ngày 6 - 8/11 tại 2 địa điểm là Nhà hát Lớn và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Đây là chương trinh nằm trong Dự án hỗ trợ Văn hoá Việt Nam vì sự phát triển bền vững do Quỹ SIDA (Thụy Điển) tài trợ.
Chương trình có sự tham gia của 169 nghệ nhân thuộc 18 đơn vị nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của nhiều địa phương, nhiều tộc người từ Cao Bằng, Lạng Sơn… đến mũi Cà Mau. Đặc biệt, chương trình còn có sự tham gia của 3 nghệ sĩ đến từ Thuỵ Điển – đây là những nghệ sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống.
Theo ông Lê Văn Toán, Viện trưởng Viện Âm nhạc, đây là một hoạt động hết sức ý nghĩa đánh dấu kết quả mọi hoạt động của Dự án. Đặc biệt khẳng định sự đồng thuận của cộng đồng, của xã hội trong công tác bảo tồn, truyền bá âm nhạc truyền thống trong cuộc sống đương đại hôm nay. Hoạt động này cũng sẽ giúp sự hội nhập, giao lưu văn hoá âm nhạc của Việt Nam và Thuỵ Điển ngày càng được nâng cao và gắn bó hơn nữa.
Theo nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, Tổng đạo diễn chương trình, điểm nhấn trong chương trình là phần biểu diễn của các nghệ sĩ đến từ Thuỵ Điển cùng các học sinh, sinh viên Khoa Âm nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cùng trình diễn ngẫu hứng các giai điệu âm nhạc truyền thống các dân tộc Việt Nam.
Chương trình Giao lưu âm nhạc truyền thống Việt Nam - Thuỵ Điển diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 6/11 bao gồm các tiết mục hoà nhạc giao lưu giữa các nghệ sĩ Thuỵ Điển, các nghệ sĩ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và các nghệ nhân tài tử Cà Mau. Ngoài ra chương trình còn có các tiết mục âm nhạc truyền thống các dân tộc Việt Nam như hoà tấu chiêng trống và kèn k’vôh; độc tấu định puốt; độc tấu sáo Mông; hoà tấu kèn saranai - trống ghì nằng…
Chương trình tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam từ ngày 7-8/11 sẽ diễn ra tại 4 sân khấu là sân khấu trung tâm, khu nhà cổ người Việt, Nhà rông Bana và Nhà dài Ê đê với phần trình diễn của các dân tộc miền núi phía Bắc; trình diễn của các dân tộc Nam Trung bộ và Nam bộ; trình diễn của dân tộc Việt vùng đồng bằng Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ; trình diễn của các dân tộc Nam Tây Nguyên và Bắc Tây Nguyên.
Cũng trong buổi họp báo này, Viện Âm nhạc cũng giới thiệu về tiểu Dự án Hỗ trợ Văn hoá Việt Nam vì sự phát triển bền vững do Quỹ SIDA tài trợ. Trong 5 năm thực hiện dự án, đã có hơn 30 tộc người Mông, Dao, Giáy, Thái, Cao Lan, Khmer, Rục, Khùa… tại 18 tỉnh thành trên cả nước được hưởng dự án. Đại diện nghệ nhân các tộc người tại nhiều địa phương đã cung cấp cho kho lưu trữ của Viện nhiều tư liệu âm nhạc quý giá. Trong đó tiêu biểu như tộc người Rục, tộc người Ơ đu, tộc người Brâu lần đầu tiên có đoàn sưu tầm âm nhạc với quy mô lớn nhất từ trước tới nay đã đến với cộng đồng ở những vùng sâu, vùng xa điều kiện đi lại khó khăn./.