Sau 9 ngày diễn ra với các chương trình nghệ thuật mang đậm sắc thái văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế và 5 châu lục trên thế giới, những lễ hội hấp dẫn, ấn tượng, Festival Huế 2010 đã khép lại trong sự tiếc nuối của người dân cố đô và du khách. So với các kỳ Festival trước, có thể nói, Festival Huế lần này được tổ chức quy mô, hoành tráng, chuyên nghiệp và đạt chất lượng cao hơn.

Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế 2010 đã quy tụ gần 70 đoàn nghệ thuật của Việt Nam và các nước thuộc 5 châu lục trên thế giới với hàng trăm suất diễn tại địa bàn thành phố Huế và các huyện vùng ven. Hàng loạt chương trình văn hóa, nghệ thuật cộng đồng, lễ hội được tổ chức công phu, hoành tráng. Trong đó, nhiều lễ hội đã được tổ chức trong các kỳ Festival trước, cũng như mới diễn ra lần đầu tiên như: Hơi thở của nước, Huyền thoại Sông Hương, Cuộc thao diễn thủy binh thời chúa Nguyễn, Hành trình mở cõi...được đánh giá cao và thu hút đông đảo công chúng đến xem. Ông  Phillip Bouler, nhà tư vấn tổ chức Festival của Pháp, người đã giúp Thừa Thiên Huế xây dựng, tổ chức từ những kỳ Festival đầu tiên đến bây giờ đánh giá: Festival Huế ngày càng được tổ chức có hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Tôi thấy có rất nhiều điều tích cực. Festival ngày càng có qui mô hơn đồng nghĩa với công tác tổ chức ngày càng chuyên nghiệp hơn từ những khía cạnh nhỏ của Festival, như yếu tố con người, hậu cần cũng như công tác truyền thông. Điều này rất quan trọng đối với sự thành công của một lễ hội. Với tư cách là một nhà tư vấn tổ chức Festival, tôi thấy mọi việc rất tốt, tôi có mối quan hệ rất gần gũi với các đối tác Pháp cũng như Việt Nam, điều này giúp cho mọi cuộc thảo luận về công việc đều trở nên dễ dàng, tiến triển tốt.

Với Festival Huế 2010, người dân cố đô đã thực sự trở thành chủ thể của lễ hội. Từ những ngày đầu chuẩn bị cho đến khi kết thúc Festival, Huế không chỉ đẹp bởi đèn hoa trang trí mà còn hấp dẫn vì tà áo dài thướt tha, duyên đáng của các o, các mệ. Ngay cả các bác xe thồ, xích lô cũng gọn gàng, tinh tươm trong chiếc áo đồng phục mà ngày thường đôi lúc quên mặc. Ngày thường, người Huế vốn đã nhẹ nhàng, vui vẻ nay lại càng cởi mở, thân thiện hơn để đón bạn bè về thăm lại thành phố Festival do mình làm chủ. Có thể nói, người dân Huế đã góp phần làm nên một mùa Festival thành công và đầy ấn tượng. Ông Huỳnh Văn Vĩnh, ở thành phố Huế nói: “Tôi rất tự hào vì mình là người dân Huế, người dân của thành phố Festival. Tôi nghĩ rằng, để thực sự trở thành chủ nhân của thành phố Festival, người dân Huế cần phải cởi mở, thân thiện và năng động hơn. Chúng ta phải thế nào để du khách đến Huế một lần yêu mến Huế, mong muốn trở lại nhiều lẫn nữa”.

Một điều đáng ghi nhận nữa, Festival Huế 2010 đã mở rộng không gian biểu diễn, đưa các chương trình nghệ thuật đến với công chúng ở vùng sâu vùng xa. Từ huyện miền núi Nam Đông, A Lưới đến các vùng quê Phú Lộc, Quảng Điền, miền biển Lăng Cô, Thuận An... ở đâu người dân cũng có thể thưởng thức các chương trình nghệ thuật đắc sắc của Việt Nam và các nước trên thế giới. Ở nhiều nơi, người dân kiên nhẫn chờ đợi hàng tiếng đồng hồ để được xem chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật. Nhiều suất diễn phải tăng thời lượng gấp rưỡi, gấp đôi mới đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân Huế và du khách.

Theo Ban Tổ chức Festival Huế 2010, trong 9 ngày diễn ra lễ hội, đã có gần 200.000 lượt khách du lịch đến Huế, tăng 20% so với Festival Huế 2008, lượng khách lưu trú tại các khách sạn tăng 120%. Bên cạnh những hiệu quả kinh tế có thể nhìn thấy như: doanh thu từ dịch vụ du lịch, hàng hóa phục vụ du khách..., Festival Huế còn góp phần quảng bá cho các di sản văn hóa của Huế đến với bạn bè năm châu. Kể từ sau Festival Huế 2000 đến nay, doanh thu trực tiếp từ các khu di tích, từ dịch vụ du lịch tăng hàng năm. Festival cũng góp phần thay đổi diện mạo đô thị Huế, cảnh quan môi trường được nâng cấp. Về những kinh nghiệm rút ra sau Festival Huế 2010, để tổ chức tốt hơn các kỳ Festival tới, ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Festival Huế 2010 cho biết: Qua các kỳ Festival chúng tôi rút ra những kinh nghiệm: một là phải có định hướng trước. Thứ 2 là phải sớm có quảng bá mà muốn có quảng bá thì phải có nội dung chương trình, phải xây dựng các lễ hội và chọn những lễ hội đinh để quảng bá.

Mặc dù vẫn còn một số thiết sót trong công tác tổ chức cũng như xuất phát từ số ít công chúng thiếu ý thức nhưng có thể khẳng định rằng, Festival Huế 2010 đã thành công tốt đẹp. Festival đã trở thành thương hiệu hấp dẫn của Huế, góp phần nâng cao vị thế về chính trị, văn hóa, du lịch và ngoại giao của tỉnh Thừa Thiên Huế không những trong phạm vi quốc gia, khu vực mà còn cả trên trường quốc tế. Điều này cũng giúp Huế thực hiện mục tiêu trở thành thành phố Festival của Việt Nam, tiến tới gia nhập thành phố Festival của ASEAN và thành phố Festival của thế giới vào năm 2020./.