Cuộc vui nào cũng có hồi kết thúc. Festival Huế 2010 đã chính thức khép lại vào tối 13/6 với những chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng lời giã bạn đầy quyến luyến, xúc động và ấn tượng.

thao-dien-6.jpg

Thao diễn thuỷ binh trên sông Hương

9 ngày của Festival cũng chính là quãng thời gian du khách trong và ngoài nước được sống trong bầu không khí của văn hoá nghệ thuật đa sắc màu, đúng với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” và tiếp tục tạo ấn tượng khó phai trong lòng du khách.

Có thể khẳng định, sau mỗi kỳ được tổ chức, Festival Huế dần trở thành một thương hiệu và mang lại hiệu quả cao hơn. Điều đó được minh chứng với số nước đăng ký tham gia Festival Huế năm sau thường cao hơn năm trước, Huế sạch đẹp hơn nhờ sự đầu tư chỉnh trang, du khách đến với Huế đông hơn và nhiều chương trình lễ hội có chất lượng tốt, quy mô lớn, hoành tráng, trong đó có nhiều nét mới độc đáo. Tất cả đều tác động một cách tích cực đến góc độ văn hoá, kinh tế- xã hội….

Festival Huế 2010 có tới 1.500 nghệ sĩ, diễn viên, kỹ thuật viên chuyên nghiệp của 48 đoàn nghệ thuật nước ngoài và 17 đoàn nghệ thuật trong nước đến tham gia. Các chương trình diễn ra liên tục trong 9 ngày đêm như Lễ hội Áo dài, “Đêm Phương Đông”,... tiếp tục để lại ấn tượng sâu sắc đối với người xem.

Trình diễn áo dài tại cửa Thượng Tứ

Các lễ hội cung đình được phục dựng như: Lễ Tế Nam Giao (Tế Giao), Đêm Hoàng Cung, Huyền thoại Sông Hương đã hoàn chỉnh hơn về nội dung và nâng cao chất lượng nghệ thuật.

Các lễ hội mới như “Hành trình mở cõi”, tái hiện “Cuộc thao diễn thuỷ binh thời Nguyễn”,“Hơi thở của nước”… làm cho Festival Huế 2010 thêm hoành tráng, lung linh. Hay các cuộc triển lãm cả mỹ thuật, nhiếp ảnh, nghệ thuật sắp đặt với các chủ đề “Từ cố đô đến cố đô”, “Tự sự cố đô”, “Sắc phong và sách cổ” đem đến cho người xem những sắc màu “rất Huế”.

Tuy nhiên, yếu tố để khẳng định sự thành công của Festival lần này chính là sự hưởng ứng của công chúng, trước hết đó là người dân Huế đối với ngày hội lớn. Các chương trình luôn thu hút rất đông khán giả dù được diễn liên tục trong suốt Festival và diễn ra ở nhiều địa điểm khác nhau. Thậm chí, chứng kiến cảnh kẹt xe trên cầu Phú Xuân khi dòng người nườm nượp hướng về Thành nội vào mỗi chiều tối, có người nói vui rằng, các chú cảnh sát giao thông hơi lúng túng vì ở Huế chẳng mấy khi tắc đường!

Biểu diễn nghệ thuật trên mặt hồ Tịnh Tâm

Nói như ông Nguyễn Hữu Châu Phan, một nhà nghiên về Huế, Festival Huế 2010 đã đáp đứng được phần nào sự mong đợi của người dân, đặc biệt là người dân Huế. Bởi, người dân đi xem các chương trình lễ hội đông hơn, háo hức hơn và trực tiếp tham gia vào nhiều chương trình của ngày hội.

Đó rõ ràng là một tín hiệu mừng, vì dù sao, “Festival Huế trước hết phải là của người dân Huế chứ không phải diễn ra tại Huế và “chất Huế” phải lắng đọng trong lòng du khách sau mỗi kỳ Festival”./.