Xuân về trên đại ngàn Tây Nguyên cũng là khi ở bản Bu Prâng, xã Đắc Ndrung, huyện Đắc Song, tỉnh Đắc Nông rộn rã tiếng cồng chiêng đón Tết, đồng thời mở ra những ngày “ăn năm uống tháng” truyền thống. Nét đặc biệt ở Bu Prâng là toàn bộ hoạt động diễn tấu chiêng, đều do phụ nữ trong bon thực hiện.

Bà con đồng bào M’nông ở bản Bu Prâng đón Tết này với niềm vui kết thúc một vụ sản xuất thắng lợi. Tết cổ truyền của bà con vì thế cũng được chuẩn bị chu đáo hơn, rộn ràng hơn. Nhịp cồng chiêng của các nghệ nhân nữ nghe rộn rã, có sức lôi cuốn kỳ lạ, thu hút mọi thành viên trong bản làng và khách đến với lễ hội mừng xuân mới.

chieng1_bwsz.jpgẢnh minh họa: Báo Đắk Nông
Nghệ nhân Thị Srêu phấn khởi trong bản tấu chiêng “mừng mùa” và “đón khách”: “Ngày xưa ông bà đánh cồng chiêng là mừng lúa mới, làm lễ hội. Bây giờ thì đánh mừng năm mới để con cháu không quên truyền thống dân tộc M’nông. Đón Tết đánh chiêng để cầu mong mùa màng được hơn như làm lúa, làm ruộng, làm nương được mùa hơn…”.

Nghệ nhân Thị Mai, con gái cố nghệ nhân nổi tiếng Điểu Kâu, là đội trưởng đội chiêng nữ. Thị Mai tự hào, đội chiêng thành lập năm 2004, chỉ có 6 chị em chưa được công nhận là nghệ nhân. Nhiều năm không ngừng luyện tập và tham gia các lễ hội, hay liên hoan văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Đến nay, các chị Thị Mai, Thị Srêu, Thị Đốt, Thị Nhum, Thị Tiêng đã lần lượt được vinh danh là nghệ nhân đánh chiêng.

Đội chiêng bon Bu Prâng còn thu hút gần 20 phụ nữ, thanh niên trong bản tham gia hát múa và học đánh chiêng. Thị Mai cho biết, trong bản bây giờ, mọi nhà đều tổ chức đón Tết Nguyên đán và rất nhiều gia đình dùng đến chiêng khi làm lễ cúng ông bà, tổ tiên trong những ngày Tết.

“Trong ngày Tết Nguyên đán, bà con vẫn cúng thờ ông bà tổ tiên. Chúng tôi lấy chiêng ra đánh cho vang, cầu mong năm mới làm ăn tốt, làm rẫy, làm nương được mùa một trăm gùi lúa hoặc là bảy trăm gùi lúa…” - nghệ nhân Thị Mai nói.

Sau khi tham dự lễ hội mừng xuân mới ở nhà văn hóa cộng đồng bản, nghệ nhân Thị Đốt mời khách về thăm gia đình và cùng vui Tết. Bên ché rượu cần đãi khách, nghệ nhân Thị Đốt cho biết, mình học đánh chiêng từ năm 10 tuổi. Qua 40 năm, đến nay sự gắn bó với cồng chiêng của chị càng thêm sâu nặng.

Trong những ngày tết, cồng chiêng, rượu ghè lại càng không thể thiếu. Nghệ nhân Thị Đốt hồ hởi: “Theo phong tục của dân tộc M’nông, mọi người cùng nhau góp vui, sum họp trong gia đình, sum họp với con cháu. Mong cho con cháu sau này không quên phong tục này từ ché rượu cần đến cồng chiêng...”.

Bản Bu Prâng, xã Đắc Ndrung, huyện Đắc Song có hơn 200 hộ chủ yếu là đồng bào dân tộc M’nông. Đã thành lệ, mỗi dịp mừng xuân mới, các gia đình ở bản Bu Prâng đều có thành viên tham gia văn nghệ truyền thống ở nhà văn hóa cộng đồng. Người già ở bon Bu Prâng tin rằng, mùa xuân đã gắn liền với tiếng chiêng với lễ hội và những bếp lửa bập bùng. Bếp lửa đầu xuân sẽ gọi hồn những chiếc chiêng ngân cao hơn, xa hơn, bắt đầu một năm mới no ấm, đủ đầy hơn.

Một mùa xuân mới đang về với bon Bu Prâng, xã Đắc Ndrung, huyện Đắc Song. Những cây mai vàng dưới hiên nhà, trong mỗi góc vườn của các gia đình ở bon Bu Prâng lại tuôn hoa rực rỡ; những cây cà phê trên nương rẫy cũng bung hóa trắng ngát hương...Những chàng trai, cô gái, người già, trẻ nhỏ ở bon Bu Prâng lại nối vòng xoang, say mê trong nhịp chiêng rộn rã./.