Đó là mùa xuân năm 1968, sau Tết Mậu Thân, giữa vùng chiến sự phía Tây Thừa Thiên Huế. Anh - “ông lão của chúng ta hiện nay”- khi đó là một chiến sĩ trong đội xung kích tuyên truyền văn hoá phục vụ hội nghị tổng kết công tác quân sự, thanh niên và phụ nữ do đồng chí Ba Hành, Bí thư Đảng uỷ Thừa Thiên Huế chủ trì.
Trong những ngày xung kích ấy, anh được phân công làm việc cùng với một nữ văn thư và họ nhanh chóng bén duyên nhau. Họ đã yêu nhau vô cùng thắm thiết, yêu đến mức không cần biết trên đầu mình trực thăng Mỹ đang phành phạch chuyển quân đổ về một cao điểm gần nơi họ ở, mặc cho pháo bầy bắn lên từ phía biển. Nhưng những ngày đẹp đẽ ấy chỉ kéo dài trong vòng một tháng. Nhân vật của chúng ta tiếp tục hành quân vào phía Nam. Họ chia tay nhau với lời thề: “Nhất định sẽ tìm nhau khi chiến tranh kết thúc”.
Người lính để lại cho cô văn thư chiến trường một cuốn sổ ghi địa chỉ quê nhà và một tấm ảnh. Cô gái cũng ghi lại địa chỉ của nàng và tặng chàng một cây bút bi Mỹ để kỷ niệm trong lần gặp gỡ cuối cùng. Hai năm sau, nhân vật của chúng ta bị thương và được chuyển ra Bắc điều trị, rồi anh chuyển ra công tác ở một cơ quan dân sự. Trước khi nhận nhiệm vụ mới, anh trở về thăm nhà và nhận được một bức thư cùng một lọn tóc và bông hoa rừng ép khô của người yêu gửi từ chiến trường. Anh thầm hứa với lòng mình sẽ đợi chờ cô cho đến ngày hoà bình...
Ảnh minh họa |
Nhưng, trong một lần đi sơ tán, tất cả những kỷ vật ấy, cùng với địa chỉ của nàng, nhân vật của chúng ta đã để thất lạc. Từ đó, ông hoàn toàn mất liên lạc với người yêu. Sau chiến tranh, cuộc sống của con người ta dồn dập với rất nhiều sự kiện. Ông lập gia đình và có một cuộc sống bình lặng. Mặc dù vậy, ông vẫn luôn dõi tìm thông tin về người tình thời chiến. Hai lần ông vào chốn cũ, nhờ Đài Phát thanh truyền hình Thừa Thiên Huế thông báo trên sóng nhưng không có kết quả.
Ông không biết bây giờ cô còn sống hay đã mất. Ông rất muốn đăng tin trên mục nhắn tìm đồng đội để hy vọng có người biết cô và thông báo cho ông. Nhưng ông lại sợ vợ con ông sẽ không thông cảm và sợ ảnh hưởng đến gia đình của người yêu. 40 năm đã trôi qua, mối tình ấy vẫn làm ông xao động, ngày nào chưa biết được tin tức về người ấy, lòng ông vẫn chưa yên. Nhưng, khi gửi thư về chương trình “Bạn hãy nói với chúng tôi” của Đài TNVN, ông vẫn đề nghị được giấu tên khi phát sóng.
Lạ thật. Tôi cứ nghĩ, ông lão này ngày xưa sao không đi tìm người yêu của mình, để đến bây giờ lưng còng, tóc bạc lại ăn năn? Nhiều người bảo tôi rằng, thời hậu chiến, con người ta có nhiều việc để lo. Hồi đó, làm sao có thể chấp nhận lý do đi tìm người yêu để mà bỏ bê công việc? Với lại, sau chiến tranh, khát vọng của cả dân tộc là ổn định lại cuộc sống. Một người đàn ông phải lập gia đình, phải sinh ra những đứa con, phải trổ lá đơm bông như rừng cây sau bão.
Đêm phát sóng câu chuyện này, có nhiều thính giả là cựu chiến binh gọi điện tham gia. Tôi đặt câu hỏi: Nếu ở vào địa vị ông lão đó, được trở lại hơn 30 năm trước thì chúng ta có đi tìm người con gái ấy? - Có người bảo tôi rằng, để cuộc sống trôi đi, giữ lại trong lòng những kỷ niệm mãi lung linh như thế. Đó là Hạnh phúc.
Có người lại bảo rằng, phải đi tìm cô gái, có thể cô đã hy sinh, cũng có thể cô lấy một người khác làm chồng... có thể người đàn ông đó sẽ buồn thương, nhưng không dằn vặt. Có người trách ông lão đã không dám trải lòng để sống thật với tình cảm của mình, để đối diện với nỗi đau có thể chứng kiến... Tôi chẳng biết như thế nào là hay, chỉ cảm nhận ở đâu đó ngoài phòng thu, trong không gian im lặng của đêm, có một niềm ân hận đang lặng lẽ dâng lên./.