Chẳng biết có đúng không, nhưng tôi vẫn tin rằng 100% các ông bố đều không dưới một lần tìm cách nhìn vào mắt những đứa con để xem hình ảnh của mình phản chiếu trong mắt trẻ ra sao.

Tôi bắt đầu nghĩ về điều đó đã một năm nay, sau khi nghe câu chuyện đầy chất phác của một người cha.

Khi kể với chúng tôi câu chuyện của mình, người đàn ông ấy đang đứng trước khả năng bị kỷ luật vì đã dám nói ra sự thật. Anh là nhân viên bảo vệ tại một cơ quan hành chính cấp quận ở TP HCM.

Anh kể rằng: Mấy hôm trước đó, cơ quan anh tổ chức đi nghỉ mát. Anh là một trong số rất ít người không thể tham gia chuyến đi vì phải trực cơ quan. Theo tâm sự của anh, chuyện này chẳng có gì bất thường. Nhưng đen đủi cho anh là, đúng hôm cả cơ quan đi nghỉ mát thì có rất đông người dân mang hồ sơ đến cơ quan của anh để giải quyết công việc. Vì chỉ là một nhân viên bảo vệ nên anh không thể giải quyết được, thương người dân chầu chực trong thời tiết nắng nóng, anh đã khuyên mọi người hãy mang hồ sơ về, vì cả cơ quan đi nghỉ mát hết rồi, không ai tiếp họ được.

Chuyện này, theo anh cũng vẫn là bình thường. Nó chỉ trở nên bất thường sau khi một số người dân phản ánh chuyện này tới cơ quan báo chí. Và nhà báo đến chất vấn lãnh đạo của cơ quan anh. Vị lãnh đạo ấy, mặc dù thừa nhận là có việc tổ chức cho cơ quan đi nghỉ mát, nhưng không phải là tất cả. Do đó, bà ta tuyên bố với nhà báo rằng, anh bảo vệ sẽ bị kiểm điểm trách nhiệm vì đã giải thích với người dân không đúng sự thật.

mat-tre-tho-1.jpg
Ảnh minh họa

Cho đến khi kể chuyện với chúng tôi, anh bảo vệ không biết mình sẽ phải nhận hình thức kỷ luật nào, nhưng anh rất buồn. Anh buồn, không phải vì sợ cái hình thức kỷ luật mà cơ quan áp dụng. Nhưng anh buồn vì thực sự không biết mình đã làm gì sai. Có thể không phải toàn bộ cơ quan đều đi nghỉ mát, nhưng ngày hôm đó chẳng có một ai ở cơ quan để giải quyết công việc của công dân. Và nếu được làm lại thì anh sẽ vẫn khuyên mọi người ra về.

Khi nghe người đàn ông đó kể đến đây, tôi đã vội vàng khuyên nhủ anh đừng quá lo lắng. Có thể vị lãnh đạo cơ quan sẽ không kỷ luật anh vì thực sự anh không hề có lỗi. Nhưng anh hãy thông cảm với bà ta, vì không muốn báo chí ầm ĩ chuyện nghỉ mát nên lấy chuyện kỷ luật anh để trấn an mà thôi...

Nghe tôi nói vậy, người đàn ông đó vội thanh minh: “Anh hiểu sai ý tôi rồi. Không phải tôi sợ lãnh đạo, mà sợ những đứa con của mình...”.  Và điều thực sự mà anh muốn tâm sự với chúng tôi là, anh vẫn luôn dạy dỗ hai đứa con nhỏ của mình là phải thẳng thắn nhận lỗi khi trót làm việc xấu. Nhưng nếu bị cơ quan kỷ luật, anh sẽ không biết phải nói với những đứa trẻ rằng bố chúng đã làm sai điều gì. Anh biết giải thích ra sao với lũ trẻ về cái án kỷ luật đó. Nếu anh không thể nhận lỗi thì trong mắt những đứa trẻ, hình ảnh của bố chúng hẳn sẽ khác đi sau sự việc này.

Nhiều người sẽ cho rằng, anh bảo vệ đó cả nghĩ quá! Ban đầu, tôi cũng nghĩ như vậy. Trong cuộc sống, mấy ai tránh được có những lúc lỗi lầm, và đâu phải chuyện gì cũng có thể phân tích với trẻ con? Song, khi đó tôi cũng đã làm chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi của Đài TNVN được một thời gian.

Những con người, những số phận và những nỗi niềm mà thính giả cả nước tin cậy gửi gắm đến chương trình đã dạy tôi nhiều điều, trong đó, đặc biệt quan trọng là ý thức trân trọng những nỗi ưu tư của người khác. Vì sao người đàn ông chất phác này lại quá lo lắng về việc giải thích với những đứa con lý do bị kỷ luật của mình?

Anh không phải là người thành đạt để con cái được thừa hưởng danh tiếng của cha, anh cũng không giàu có để cho lũ trẻ một cuộc sống đủ đầy về vật chất. Nhưng như mọi người cha khác, anh vẫn muốn dành cho con mình những điều tốt nhất mà anh có. Đó là sự chính trực, là danh dự của một người đàn ông. Ước muốn ấy quá đủ để anh phải lo lắng giải thích cho con về quyết định kỷ luật của mình.

Mọi người cha đều muốn dành cho con những điều tốt nhất mà mình có. Đó là sự chính trực, là danh dự của một người đàn ông. Anh luôn dạy dỗ hai đứa con nhỏ phải thẳng thắn nhận lỗi khi trót làm việc xấu. Nhưng nếu bị kỷ luật, anh không biết phải nói với những đứa trẻ rằng bố chúng đã làm sai điều gì. Nếu không thể nhận lỗi thì trong mắt những đứa trẻ, hình ảnh của bố chúng hẳn sẽ khác đi!
Người đàn ông ấy nên giải quyết chuyện này ra sao? Tôi đã cho rằng câu hỏi đó thật khó để trả lời. Nhưng đêm ấy, khi BTV Minh Tâm vừa kể xong câu chuyện, hai chiếc máy điện thoại trong phòng thu đã rinh reng chuông đổ. Hoá ra, nỗi niềm của người đàn ông đó cũng là nỗi băn khoăn của không ít bậc làm cha.

Họ gọi điện để chia sẻ với anh. Mỗi người một tâm sự khác nhau nhưng đều chung một điểm là đôi khi trong sự o ép của cuộc sống, không phải bao giờ chúng ta cũng có thể sống đúng như cách mà mình dạy con cái. Rất nhiều lời khuyên đã được đưa ra, và tôi ấn tượng nhất là ý kiến của một thính giả nữ.

Chị ấy kể rằng, khi chị còn nhỏ, cha chị cũng bị kỷ luật oan giống như anh bây giờ và điều đó cũng khiến chị băn khoăn không ít. Nhưng rồi cùng với thời gian, chị lớn lên và dần hiểu nỗi oan của cha mình, chị biết rằng vì danh dự mà cha không luồn cúi, chấp nhận thiệt thòi. Cái án kỷ luật của cha khiến chị mất đi nhiều cơ hội so với bạn bè, nhưng trong mắt chị, cha luôn là người đàn ông chính trực, là niềm tự hào để chị ngẩng cao đầu mà sống. Tôi tin, câu chuyện của nữ thính giả này, và cũng tin rằng, người nhân viên bảo vệ ấy sẽ luôn giữ được hình ảnh đẹp trong ánh mắt con mình./.