Người ta vẫn hay lên án chuyện yêu thử, sống thử của giới trẻ bây giờ. Sống thử, tôi không chắc là có tốt hay không. Nhưng tình yêu thì rất nên được thử thách. Tôi chắc chắn như vậy sau khi nghe câu chuyện dưới đây.

Cô gái tên Hoài tâm sự rằng, cô và người yêu của mình cùng học một lớp từ năm thứ 2 đại học. Đến khi ra trường, vô tình họ cùng được tuyển dụng vào làm việc ở một cơ quan. Sự vô tình đó đã trở thành tiền đề để họ thân thiết và yêu nhau. Đó là một mối tình không có gì đáng phải phàn nàn nếu xét về những điểm tương đồng của họ. Cùng nhanh chóng thăng tiến trong công việc, có chung mọi sở thích về cuộc sống và đặc biệt là rất hiểu nhau, ăn ý với nhau trong mọi việc.

Bạn bè, đồng nghiệp và hai bên gia đình đều coi họ là một cặp Thanh Mai - Trúc Mã, đẹp đôi nhất trên đời. Còn họ thống nhất sẽ tổ chức đám cưới sau khi chàng trai kết thúc thời gian tu nghiệp ở nước ngoài. Thời gian đi tu nghiệp của chàng trai đã bắt đầu từ 4 tháng trước. Hôm chia tay, cô gái khóc rất nhiều, cô không thể hình dung nổi quãng thời gian xa nhau đó cô sẽ khổ sở đến thế nào, và không biết sẽ vượt qua nỗi nhớ nhung ra sao. Những ngày đầu xa nhau, cứ có một chút thời gian là cô lại lên mạng để trò chuyện cùng người yêu. Nhưng những cuộc trò chuyện đó cũng thưa thớt dần do người yêu của cô bắt đầu bắt nhịp với cuộc sống nơi tu nghiệp, nơi có múi giờ lệch rất xa với thời gian trong nước.

gia-vi-tinh-yeu.jpg
Ảnh minh họa

Sự khác biệt đó khiến cho có khi cả tuần lễ họ không gặp nhau trên mạng. Và cô gái cũng quen dần với điều đó. Thậm chí, sự quen này còn đến với cô một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn sự tưởng tượng của cô rất nhiều. Bây giờ, chỉ khi thật sự rảnh rỗi cô mới vào mạng để chờ tín hiệu của người yêu. Cô đã dành nhiều thời gian hơn để gặp gỡ bạn bè và cảm thấy mình như trẻ lại. Đôi lúc cô còn cảm thấy cuộc sống hiện tại có phần dễ chịu hơn khi người yêu ở bên.

Trước kia, mặc dù hai người rất hợp nhau nhưng không phải không có những thói quen của cô mà người yêu không thích. Sống bên người yêu, cô đã tự nguyện từ bỏ những thói quen có thể gây khó chịu cho anh ấy. Bây giờ, khi không ở bên anh, cô có thể mặc những bộ quần áo mà anh cho là ngớ ngẩn, có thể nghe những loại âm nhạc trái với gu của anh. Điều đó khiến cô cảm thấy thật thoải mái.

Trong thư gửi chúng tôi, cô gái kể rằng, lẽ ra những cảm giác đó không khiến cô băn khoăn. Nhưng gần đây có một sự kiện khiến cô suy nghĩ rất nhiều. Trước kia, ở cơ quan, ngoài công việc của bản thân thì cô hầu như không để ý đến điều gì ngoài người yêu của mình. Nhưng từ khi xa anh, cô có nhiều thời gian rảnh rỗi ở cơ quan hơn, cô bắt đầu tham gia những sinh hoạt ngoài giờ cùng đồng nghiệp và nhận thấy rất nhiều điểm đáng yêu ở họ mà trước kia cô không hề để ý. Đặc biệt là có một nam đồng nghiệp mà cô cảm thấy rất thú vị mỗi khi cùng trò chuyện, thậm chí trong những ngày nghỉ cuối tuần thì cô lại thường xuyên nghĩ đến anh ta và có vẻ như đó là một cảm giác nhớ nhung.

Mối tình với anh chàng đồng nghiệp chỉ như một cơn gió. Cô gái sẽ nhanh chóng nhận ra điều cơ bản của tình yêu là sự hoà hợp, những cảm xúc chỉ là gia vị của cuộc sống mà thôi. Những gia vị đó không thể tạo nên bữa tiệc hôn nhân, nhưng thiếu nó, bữa tiệc sẽ nhạt nhẽo vô cùng.
Nỗi nhớ đó khiến cô vừa cảm thấy thú vị, nhưng cũng chợt giật mình. Giật mình vì một ý nghĩ chợt đến rằng, phải chăng cô không thực sự yêu người đàn ông mà cô sẽ lấy làm chồng?

Câu chuyện này thoạt nghe, nhiều người cho rằng, đó chẳng qua chỉ là hiện tượng xa mặt cách lòng thuần tuý. Nhiều thính giả của chương trình “Bạn hãy nói với chúng tôi” của Đài TNVN cũng nghĩ vậy. Nhưng tôi không cho rằng cô gái này là người có tình cảm hời hợt. Nếu là chuyện xa mặt cách lòng, có lẽ cô gái không băn khoăn về tình cảm mới, không phải giật mình tự vấn về tình yêu.

Đọc kỹ bức thư, tôi cho rằng, thứ tình cảm mới mẻ đó chỉ là kết quả của quá trình khám phá bản thân của cô gái trẻ. Suốt bao năm qua cô gái đã quên đi bản thân mình. Cô và người yêu chỉ chú tâm vun đắp những điểm tương đồng mà họ có và cố gắng loại bỏ cá tính của mình. Hãy tưởng tượng một nữ trí thức sống khép mình, không hề tham gia những sinh hoạt ngoài giờ cùng đồng nghiệp, từ việc ăn mặc đến hưởng thụ văn hoá đều chỉ lo làm sao để vừa lòng người yêu... Đó chính là hình ảnh của cô gái trước lúc người yêu đi xa. Một cuộc sống như vậy, nếu kéo dài, chắc chắn sẽ biến cô thành một phụ nữ buồn tẻ và thụ động. Khi đó, liệu tình yêu của họ có còn bền vững?

Rất may, sau 4 tháng xa nhau, cô gái đã nhanh chóng tìm lại con người thật của mình, đã khám phá ra những cảm xúc từng bị lãng quên. Có thể, những cảm xúc đó không thể so sánh được với những điều dễ chịu mà họ có được nhờ sự hoà hợp đã từng có. Nhưng nhờ việc tìm lại được những cảm xúc đó, cô gái sẽ nhận thức được, ngoài việc là vợ của một người đàn ông, trước tiên cô phải là chính bản thân mình. Cuộc hôn nhân sau này của cô sẽ không bị đổ vỡ bởi một lý do rất thường thấy hiện nay. Đó là khi một trong hai người thốt lên đầy thất vọng: Anh (hay em) bây giờ thật khác với người mà anh (hay em) đã từng biết.

Tôi nhắc đến cuộc hôn nhân sau này của họ bởi tôi tin rằng, anh chàng đồng nghiệp của cô gái chỉ là một thoáng gió xuân lướt mành, một thoáng rung rinh trong suy nghĩ mà thôi. Cô gái sẽ nhanh chóng nhận ra điều cơ bản của tình yêu là sự hoà hợp, còn những cảm xúc vừa qua chỉ là gia vị của cuộc sống mà thôi.

Những gia vị đó không thể tạo nên bữa tiệc hôn nhân, nhưng thiếu nó thì bữa tiệc đó sẽ nhạt nhẽo vô cùng. Suốt một thời gian dài chuẩn bị cho bữa tiệc đó, cô gái như một bà nội trợ chỉ tập trung nghĩ về những thực phẩm chính mà quên đi gia vị. Bốn tháng xa người yêu, đó là khoảng thời gian giải lao giữa chừng, cô gái rời căn bếp của mình và trong lúc thư giãn, bỗng nhớ ra còn thiếu chút hạt tiêu, hoặc rau thơm gì đó. Thật may./.