Nhưng thật ngạc nhiên khi đó lại là tâm sự của một trí thức trẻ, có cuộc sống mà nhiều người phải mơ ước.
Người đàn ông năm nay 29 tuổi, đang công tác tại một trung tâm nghiên cứu của một Bộ lớn. Trong email gửi chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi của Đài TNVN, anh tự cho rằng mình có một cuộc sống không có gì đáng để phàn nàn. Bố, mẹ anh đều là cán bộ Nhà nước, điều kiện vật chất không thiếu thốn gì, bản thân anh cũng có một cuộc sống mà nhiều người mơ ước. 24 tuổi đã có bằng Thạc sĩ về kinh tế phát triển, thu nhập mỗi tháng đủ để nhiều người cùng lứa thèm muốn.
Nhưng, điều đó không khiến anh cảm thấy hạnh phúc. Trái lại, cuộc sống đối với anh lúc này là những chuỗi ngày mòn mỏi. Hằng ngày anh đi làm như một cái máy, cập nhật số liệu, tổng hợp thành những bản báo cáo rồi đặt lên bàn của sếp. Để làm công việc đó, anh hầu như không phải sử dụng đến những kỹ năng và kiến thức mà suốt 7 năm tuổi trẻ rèn luyện trên các giảng đường.
Đôi khi, để phá vỡ sự nhàm chán đó, anh đề xuất những dự án nhằm đổi mới cách làm việc với thủ trưởng trực tiếp. Những dự án đó, thay vì tạo cho anh niềm hứng khởi thì chỉ mang lại những khó chịu và buồn phiền. Có dự án, anh vừa đưa ra thì mọi người đã gạt đi vì cho rằng không khả thi, chỉ mua việc vào thân mà chẳng lợi lộc gì. Có dự án anh đưa ra được mọi người rất hoan nghênh, tuy nhiên, sau khi xem xét, cấp trên chuyển sang cho một người, hoặc một đơn vị khác thực hiện với lý do phù hợp hơn.
Điều đó không hề chi, anh tự nghĩ, miễn mình giúp ích cho đời là tốt rồi. Nhưng sau đó những người được giao lại thực hiện không đúng như mục đích anh đề ra khiến cho dự án bị thất bại. Sau những việc như vậy, anh được coi là kẻ rách việc, đồng nghiệp cho anh là đồ “ngựa non háu đá”.
Quá chán nản, đã có lúc anh xung phong đi làm cán bộ thực địa cho một dự án phát triển của Viện. Công việc đó, ban đầu thực sự làm anh thích thú vì cảm thấy mình có ích. Những kiến thức của anh có điều kiện để áp dụng trong cuộc sống. Khi dự án hoàn thành giai đoạn đầu, anh hào hứng làm một bản báo cáo phân tích sự thiếu bền vững nếu như chỉ thực hiện những hạng mục như mô phỏng của dự án. Chủ nhiệm dự án thân tình vỗ vai anh, bảo rằng, ai cũng biết điều đó, nhưng nói ra để làm gì. Chỉ cần hoàn thành như mô phỏng là thành công và giải ngân được rồi. Đừng có bới ra nữa! Nghe vậy, anh ngẩn người ra, cảm thấy vô cùng lạc lõng giữa các đồng nghiệp, trong đó, có những người từng học cùng anh, từng cùng anh mơ những giấc mơ lãng mạn về cuộc sống.
Là người thông minh và nhạy cảm, anh biết vẫn có những ánh mắt cảm thông nhìn mình. Anh hiểu rằng, không phải chỉ mình anh nhận ra sự vô nghĩa của công việc mình đang làm, trong số đồng nghiệp của mình có không ít người giỏi giang hơn anh, nhưng họ cam chịu và vui vẻ với sự nhàm chán đó. Trong các cuộc họp, họ sẵn sàng bày tỏ sự phấn khởi, bày tỏ sự tán dương với những kết quả công việc mà bản thân họ cũng biết là không có ý nghĩa gì.
Dù đã đi làm 5 năm nhưng anh vẫn không thể quen được sự giả dối đó. Tâm sự với bạn bè, với người thân, mọi người ồn ào lên một lúc, mỗi người kể ra một ví dụ về sự giả dối ở môi trường công việc của mình với rất nhiều bức xúc... Song, tất cả đều kết luận như nhau: Cậu phải quen với việc đó thôi, nếu không, ở đâu cậu cũng sẽ lạc lõng như thế này.
Thật lòng mà nói, khi đọc bức thư của anh chàng trí thức này, tôi thấy nó quen quen. Cuộc đời viên chức, ở đâu và ở thời nào cũng có những tâm sự phảng phất nỗi buồn của sự sống mòn mỏi. Cái câu thơ tự trào của đời công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về” người ta đọc cả trăm năm nay. Chỉ có điều, bây giờ ít người có thể chia sẻ với anh nỗi buồn ấy.
Đêm đó, trong vai trò người dẫn chương trình, nhưng tôi nghe nhiều hơn nói. Thú thực, tôi cũng không biết phải nói như thế nào cho phải. Trong thâm tâm, tôi mong anh hãy cứ theo đuổi những ước mơ của mình, cứ sống như lòng anh muốn vậy, nỗ lực không mệt mỏi để đấu tranh với sự trì trệ, với thói vô cảm trong môi trường làm việc. Có thể những nỗ lực đó sẽ khiến anh trở thành một chàng Đông-ki-sốt của thế kỷ 21, nhưng để sống như mình hằng mong muốn thì cái giá đó cũng đáng để trả lắm chứ!
Nghĩ vậy, nhưng tôi đã không nói ra điều đó! Tôi sợ sẽ bị cho là một biên tập viên “cải lương” với những lời dạy đời sáo rỗng. Thay vì nói ra suy nghĩ đó, cuối cùng tôi kể cho anh nghe một ước mơ, thật ra là khao khát suốt những năm tuổi trẻ của mình. Tôi mơ có một con ngựa, ngày ngày cưỡi đi làm, buộc cổng cơ quan.
Thậm chí có lúc tôi đã định mua một con ngựa để thực hiện ước mơ ấy. Nhưng cuối cùng nó vẫn chỉ mãi là giấc mơ khi tôi không thể vượt qua cảm giác bị... khác người. Trong khi kể lại câu chuyện này, tôi thấy tai mình như đang đỏ dần lên, nếu ngọn đèn trong studio mà đủ sáng, có lẽ tôi đã phải bỏ dở chương trình./.