Trong một bức thư gửi chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi của Đài TNVN, Huệ, cô bé 16 tuổi tâm sự rằng, không hiểu nổi vì sao mẹ mình mãi khổ sở. Huệ kể rằng, gia đình cô nghèo lắm, lại có tới 6 anh chị em (5 chị gái và 1 anh trai).
Người anh trai duy nhất của Huệ không may mắc bệnh tâm thần từ nhỏ. Mặc dù gia đình đã tìm đủ mọi cách để chữa chạy, vay mượn không biết bao nhiêu tiền của... nhưng đều không được. Mọi chuyện trở nên vô vọng khi từng ngày, từng giờ, tất cả các thành viên trong gia đình phải chứng kiến sự lớn mà không khôn của anh trong nỗi đau khổ, dằn vặt.
Thế rồi một ngày, mẹ quyết định cưới vợ cho anh - với tâm niệm: Sẽ có một người phụ nữ tốt, dám chấp nhận ở bên cạnh anh, yêu thương, chăm sóc anh khi tuổi bố mẹ đã xế chiều. Ngày anh lấy vợ, mẹ mãn nguyện ra mặt. Nhất là khi chị dâu báo tin có thai thì mẹ như muốn khóc oà vì hạnh phúc.
Vậy mà, niềm hạnh phúc đó qua thật nhanh, để lại cho mẹ và tất cả mọi người trong gia đình một nỗi đau đớn, tủi nhục khó có thể bù đắp. Thằng cháu đích tôn ngay từ khi mới sinh ra đã có biểu hiện giống bố nó. Rồi càng lớn, bệnh càng tăng. Vẻ mặt nó lúc nào cũng ngây ngô, man dại, không giống như bao đứa trẻ bình thường cùng trang lứa khác. Đã 6 tuổi rồi mà nó vẫn không biết đi, không biết nói, ngay cả việc vệ sinh cũng không tự làm được...
Nỗi đau chưa nguôi ngoai thì chị dâu lại ôm con bỏ về nhà ngoại, nói là không thể tiếp tục sống chung với anh được nữa. Thế là bao niềm tin và hy vọng của mẹ, của cả nhà đều sụp đổ. Mẹ rất thương chị dâu, lo cho chị từng ly từng tý, cho chị một khoản tiền không nhỏ làm vốn, rồi còn xin việc cho chị nữa... Thế nhưng, tất cả những điều đó là không đủ để níu chân chị.
Chị đi rồi, mẹ chỉ còn biết nuốt nước mắt vào trong mà tiếp tục sống, tiếp tục cuộc vật lộn với cái đói, cái nghèo để nuôi dạy 6 đứa con khôn lớn trưởng thành. Mặc dù vậy, mẹ vẫn không quên hàng tháng gửi cho chị và cháu chút tiền, coi như là gánh thay phần trách nhiệm cho ông anh trai dở người của Huệ.
Bây giờ, cả 6 anh em Huệ đều đã đến tuổi dựng vợ gả chồng cả rồi. Thế nhưng, không vì thế mà sự lo lắng, muộn phiền của mẹ bớt đi. Chị đầu lấy chồng không lâu thì chồng mất, chị thứ 2 và 3 thì chồng suốt ngày say xỉn, chẳng lo được gì cho vợ con, cuộc sống lúc nào cũng thiếu trước hụt sau... Mẹ buồn lắm, đêm nào cũng nằm trằn trọc, thương các con mà đành chịu.
Đã thế, nghe mấy người trong họ khuyên nhủ, mẹ lại quyết tâm cưới vợ cho anh lần nữa. Nhưng thật không may, chị dâu lần này có thói trăng hoa, lại đã từng chửa hoang. Về sống chung với anh mà nay đi với anh này, mai đi với anh khác. Trong làng ngoài xã ai cũng xì xào bàn tán, đến nỗi bố mẹ chị ta phải chủ động tới xin đón chị ta về để giáo dục thêm... Từ ngày đó, mẹ càng trở nên rầu rĩ hơn. Nỗi vất vả, cực nhọc làm mẹ héo hắt.
Cơ chế tạo nên tình yêu của một bà mẹ không phải là một phép tính để có thể đong đếm niềm hạnh phúc hay nỗi khổ đau. Tình yêu là vậy, đó không phải là chuyện trả vay, đó là sự đắm đuối mà người ta chỉ có thể cảm nhận khi cho đi mà không vì mục đích được nhận lại.
Khi đọc câu chuyện này, tôi tin nhiều người cũng sẽ không hiểu nổi vì sao bà mẹ ấy cứ mãi chạy theo một việc làm vô vọng như vậy. Người mẹ đáng thương dồn hết tâm sức để lo chuyện vợ con của người anh trai tật nguyền khi biết rằng sự lo toan ấy chỉ mang lại nỗi tuyệt vọng nhiều hơn. Đành rằng số phận của con người ta ở đời có thể đổi thay do những cố gắng của bản thân, hoặc người thân của mình.
Song điều đó không đúng cho tất cả mọi trường hợp. Người anh trai tâm thần của Huệ có một số phận không thể nào khác được. Người đàn ông ấy ngay từ khi được sinh ra trên đời đã phải mang thân phận không bình thường. Nhưng chẳng điều gì có thể khiến một bà mẹ chấp nhận điều đó. Bà đã cố gắng thay đổi số phận, cố gắng tạo nên một cuộc sống bình thường cho con trai. Nỗi niềm của bà mẹ, như người xưa đã nói “cá chuối đắm đuối vì con…” chẳng điều gì có thể ngăn cản một bà mẹ muốn tạo dựng hạnh phúc cho con cái. Có điều, bà đã sai lầm khi khiến những người phụ nữ khác phải gánh chung với bà nỗi niềm đó.
Những cô con dâu của bà, có đáng trách thì cũng chỉ ở việc họ đã quá dễ dãi với cuộc hôn nhân của mình. Còn về đứa cháu của Huệ, dẫu nó không phải là đứa trẻ bình thường, nhưng cũng là giọt máu của người anh. Mẹ của Huệ đón đứa bé về nuôi, dẫu vất vả nhưng là việc cần thiết. Huệ thương mẹ mình, xót xa cho sự vất vả của mẹ. Song, nếu như cô gái khuyên mẹ mình từ bỏ những nỗ lực ấy, nếu như bà mẹ nghe con gái, liệu bà có đỡ khổ hơn không?./.