Hồi tôi bé, mọi người gọi tôi là con gái chấy rận, con gái rượu của bố. Tôi yêu bố hơn yêu mẹ. Đấy có thể là sự hấp dẫn giới tính trong mối quan hệ giữa con gái và bố, cũng có thể đơn giản chỉ là vì, bố ít đánh tôi hơn, đúng ra là chẳng bao giờ đánh. Mẹ sẽ “xử lý” tôi bằng bất cứ thứ gì bà vớ được những lúc tôi hư, đòn phổ biến là dùng tay đét đít. Bố thì khác. Bố có cái roi dài và mảnh cất trên nóc tủ, lúc nào muốn “dạy” tôi bố lôi ra vung vin vít trong gió. Nhưng bố chưa bao giờ cho nó thực sự “làm lươn” trên mông tôi. Số lần bố vung roi cũng chỉ đếm bằng đầu ngón tay trong suốt tuổi thơ tôi. Chính vì thế mà tôi lại sợ ăn đòn của bố hơn cả. Phàm cái gì mình chưa thực sự nếm trải thì luôn nghĩ nó phải kinh khủng lắm!
Bố là người hiểu tôi nhất (Ảnh minh họa)
Mỗi lần bị mẹ “xử lý” tôi thường gào lên “bố ơi, bố ơi”, ao ước có bố ở đấy thì chẳng đời nào tôi bị đánh. Sau trận đòn tôi sẽ ngồi ở hiên nhà khóc rấm rứt từ sáng tới trưa, trong đầu luôn nghĩ phải “giữ nguyên hiện trường” cho tới tận lúc bố về. Chẳng lúc nào tôi mong bố được như lúc ấy. Song tôi không đợi được đến chiều. Thường thì cứ đến trưa bụng đói là tôi lại tặc lưỡi vào mâm cơm khi nghe tiếng mẹ gọi, ăn xong đánh một giấc, đến chiều chẳng còn giữ lại được “dấu vết” gì để mà mách bố nữa. Nhưng bố luôn hiển hiện trong đầu óc như một vị cứu tinh mỗi lúc tôi ăn đòn.
Bố là người hiểu tôi nhất. Bé bằng mắt muỗi tôi đã thích làm điệu. Tôi cứ hay trèo lên hộc tủ ngồi ngắm mình trước gương, vừa ngắm vừa vuốt tóc rồi nói chuyện với đứa đối diện qua gương để thấy cái miệng đang mấp máy kia đúng là xinh đẹp. Chắc tại tôi cứ vuốt tóc hoài nên bố mua cho tôi cái cặp tóc mai, uốn cong một cái nó bật ra, lúc cài lên tóc chỉ cần ấn xuống rất là dễ. Hôm bố chở tôi đi ăn cưới chú đồng nghiệp trên chiếc xe đạp phượng hoàng, tôi mặc bộ đồ hoa như con tẩm, bố lóng ngóng cài thêm cho tôi cái kẹp tóc rồi bảo “đấy! rất xinh!”. Giữa thời ấy, tôi tin mình xinh thật.
Tôi lớn hơn, đi học, cấp 1 rồi cấp 2, luôn là đứa xếp thứ cao nhất nhì lớp. Bố không kèm cặp tôi nhiều mà để tôi tự học, nhưng tôi luôn biết giá trị của những lời động viên bố dành cho tôi. Thường bố hiếm khi khen tôi giỏi, chỉ nói bố tin tôi là đứa có khả năng và biết tự thu xếp, tổ chức việc học của mình. Thế nhưng có lần tôi lại tỏ ra là không hề có ý thức tổ chức việc học, tôi không làm hết bài tập Tết cô giáo giao về nhà, tôi phải viết bản kiểm điểm đưa phụ huynh ký. Tôi rất lo lắng và căng thẳng khi chìa bản kiểm điểm cho bố. Đọc xong bố chỉ hỏi “tại sao thế con?” vậy mà tôi đã nước mắt lưng tròng. Bố chẳng hỏi gì thêm, bình thản ký giấy cho tôi, bình thản nói bố tin tôi có lý do, nhưng nếu không phải vì lý do gì đặc biệt, lần sau bố mong tôi không để xảy ra chuyện này nữa. Tôi luôn cảm nhận được niềm tin của bố đặt vào mình, nhờ nó tôi dũng cảm đối đầu với thử thách cuộc sống hơn, tôi tin mình có thể làm được.
Khi tôi học cấp 3 thì phát hiện một bí mật của bố, bí mật làm tôi tổn thương ghê gớm mà nhiều năm sau tôi không muốn tha thứ, không muốn nhìn bố trong ánh hào quang đặc biệt nữa: Bố có người đàn bà khác ngoài mẹ. Tôi khủng hoảng đến nỗi chẳng làm nổi bài thi thử tốt nghiệp. Nhiều ngày sau khi biết về bí mật của bố tôi không thể tập trung học. Tôi có cảm giác như chính mình bị phản bội. Tôi ghen cho tôi, tôi ghen cho mẹ. Cứ nghĩ đến là tôi lại run lên. Tôi khóc rất nhiều, thần tượng sụp đổ vì hóa ra bố cũng chỉ tầm thường như nhiều đàn ông khác.
Nhiều năm trôi qua, cái bí mật của bố và rồi là của tôi nữa, vẫn chẳng ai biết. Cuộc sống của chúng tôi không hề có xáo trộn. Ngay cả khi có những tình cảm khác bên ngoài, phải thừa nhận rằng, trái tim bố vẫn có chỗ cho mẹ và chúng tôi. Điều đó giúp tôi cảm giác cuộc sống chưa đến nỗi quá tồi tệ. Sau này khi đã kết hôn rồi sinh con, ngoài 30 tuổi, nhìn lại những năm tháng đã qua, tôi thấy bình thản hơn. Tôi gặp thời thơ ấu của mình trong hình ảnh các con tôi chơi với ông ngoại chúng. Tôi yêu những lúc ông miệt mài ngồi vẽ, cắt dán đồ chơi cho bọn trẻ, gấp cho chúng máy bay, làm kính đeo mắt bằng giấy. Mái đầu ông giờ đã bạc, da ông nhăn nheo hơn, nhưng trong cái đầu nghĩ được rất nhiều trò cho trẻ con kia dường như chưa bao giờ chứa bí mật nào khủng khiếp. Tôi không ngạc nhiên vì sao các con tôi lại “mê” ông ngoại đến thế, y như mẹ chúng hồi nhỏ.
Bố vẫn đối xử rất tốt với mẹ tôi. Ngay cả khi bà ốm phải nhập viện, ông luôn là người chăm sóc, đi về giữa nhà và bệnh viện. Tôi là con vịt của bố mẹ đã bay đi mất rồi, chỉ còn hai ông bà với nhau. Cuộc sống hôn nhân dạy cho tôi hiểu rằng, sự kết hợp của hai người - hai thế giới riêng - chẳng bao giờ dễ dàng. Sẽ có lúc sóng gió, sẽ có những phút lạc lòng. Nhưng mọi việc đều nên đón nhận bằng thái độ bình thản và vị tha. Nếu ngày ấy không phải vì ông đón nhận lỗi lầm của tôi bằng thái độ bình thản và vị tha, chắc gì tôi đã tự hứa được với mình là vĩnh viễn không bao giờ phạm phải lỗi không làm bài tập một lần nữa.
Đối với tôi, giờ bố không còn là thần tượng hoàn hảo, nhưng tôi nhận ra rằng dù có lúc giận hờn, tôi vẫn yêu và luôn yêu ông, đó là tình yêu vô điều kiện./.