Theo đó, UBND tỉnh An Giang có Công văn số 482 do ông Lê Văn Nưng, phó chủ tịch UBND tỉnh ký khẳng định, ngày 19/5, cầu Vàm Cống đã khánh thành và chính thức đi vào hoạt động, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông và tăng cường đảm bảo an ninh quốc phòng trong khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh ĐBSCL nói chung và tỉnh An Giang nói riêng.

vov_bot_huex.jpg
Sau khi khánh thành cầu Vàm Cống, tài xế phản ứng không chịu mua vé qua trạm BOT T2.

Tuy nhiên, các phương tiện đi từ tỉnh An Giang qua ngã ba Lộ Tẻ để lên cầu Vàm Cống và ngược lại; Các phương tiện ô tô chỉ sử dụng vài trăm mét trên tuyến quốc lộ 91 nhưng phải trả phí cho cả tuyến đường BOT T2, vấn đề này đã gây không ít khó khăn cho người dân và doanh nghiệp khi lưu thông trên đoạn đường này. Đồng thời, việc này làm ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư và phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang, việc đi lại của nhân dân, du khách khi đi hành hương và tham quan danh thắng tại địa phương.

Bên cạnh đó, việc một số doanh nghiệp, lái xe khi qua trạm thu phí BOT T2 đã phản ứng khá gay gắt, gây mất an ninh trật tự tại khu vực.

Nhằm ổn định an ninh, trật tự khu vực và giúp tỉnh An Giang tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế, UBND tỉnh An Giang kiến nghị Bộ GTVT xem xét, có giải pháp xử lý phù hợp đối với trạm thu phí BOT T2 quốc lộ 91 trong thời gian sớm nhất./.