Mấy năm trở lại đây có rất nhiều tuyến đường được nâng cấp, xây dựng dựa trên hình thức đầu tư BOT. Hiệu quả của các dự án BOT đã được khẳng định. Thế nhưng, nhìn dưới góc độ ATGT, một số dự án BOT đang xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông và tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông.
Mục đích của việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường theo hình thức BOT là nhằm tạo điều kiện cho các phương tiện đi lại nhanh hơn, giảm thiểu ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Tuy nhiên, thực tế trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vừa được nâng cấp theo hình thức BOT đã và đang xảy ra ùn tắc giao thông tại trạm thu phí vào những ngày cuối tuần, hay dịp lễ tết, khi mà lưu lượng phương tiện gia tăng. Theo tốc độ gia tăng của các loại phương tiện như hiện nay, việc ùn tắc giao thông tại trạm thu phí này cũng chỉ là tương lai gần.
Trạm thu phí Hà Nội - Lào Cai. |
Mới đây, tuyến quốc lộ 1A đoạn Hà Nội – Bắc Giang dài trên 45 km vừa được thông xe kỹ thuật. Đoạn đường này được nâng cấp theo hình thức BOT, nhà đầu tư thảm lại mặt đường, mở rộng đường để các phương tiên lưu thông nhanh hơn, an toàn hơn.
Mục tiêu dự án ghi rõ: Đối với đoạn từ Bắc Ninh - Bắc Giang hiện chỉ đạt quy mô đường cấp 3 đồng bằng, gồm 2 làn xe cơ giới – như một nút thắt cổ chai đột ngột bị xem là điểm đen về tai nạn và ùn tắc giao thông. Khi dự án hoàn thành sẽ là động lực kinh tế quan trọng cho Thủ đô Hà Nội, hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, góp phần giảm tai nạn giao thông trên địa bàn.
Tuy nhiên, việc nâng cấp quốc lộ 1A đoạn Hà Nội- Bắc Giang thực tế mới chỉ là việc thảm lại mặt đường, trên cốt đường cũ. Đường đẹp hơn, phương tiện đi lại nhanh hơn nhưng vẫn còn hai điểm đường đột ngột bị thắt lại, đó là đoạn qua cầu Xương Giang và cầu Như Nguyệt.
Trung tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Cảnh sát Giao thông cho biết: “Trên tuyến đường mới, chúng tôi có lực lượng chức năng khảo sát và từ đó có kiến nghị cơ quan quản lý đường bộ, nếu trên tuyến có điểm cong, cua, nút thắt gây nguy hiểm đến người tham gia giao thông thì cần tổ chức khắc phục ngay”.
Xin nói thêm, thời gian gần đây khi đơn vị thi công Quốc lộ 1A đoạn Hà Nội- Bắc Giang mới chỉ xây trạm thu phí, chưa thu phí, nhưng đã xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Trung tá Ngô Văn Phục, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, tuyến đường này cho phép cả xe máy lưu thông, đặc biệt trên tuyến còn có nhiều điểm đường không đồng mức, tình trạng xe dừng đón trả khách sai quy định ở chân các cầu vượt rất nguy hiểm.
Ông Phục nói: “Đoạn đường từ K113-132 được cải tạo, nâng cấp, tuy nhiên hệ thống biển báo còn chưa được bổ sung kịp thời, đặc biệt biển báo dừng dành cho xe chở khách. Chúng tôi sẽ tăng cường xử lý vi phạm đặc biệt là những đoạn ngã ba, ngã tư, đối tượng dừng đỗ xe gây mất tầm nhìn có nguy cơ gây tại nạn giao thông. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm vi phạm này”.
Mục đích của việc nâng cấp các dự án giao thông là nhằm làm giảm thời gian đi lại của các phương tiện, hạn chế ùn tắc giao thông, làm giảm tai nạn giao thông, tuy nhiên trên thực tế một số sự án BOT lại không đạt được yêu cầu này.
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban nhân dân các địa phương rà soát quy trình thực hiện, đánh giá hiệu quả các dự án hạ tầng giao thông đường bộ đầu tư theo hình thức BOT, bảo đảm các dự án triển khai đúng quy định pháp luật, phát huy hiệu quả.
Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ động rà soát các dự án BOT thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm tăng cường vai trò quản lý nhà nước theo quy định, đồng thời, khẩn trương hoàn thiện đề án Quy hoạch trạm thu phí BOT. Trước mắt, tạm dừng bố trí mới các trạm thu phí không bảo đảm khoảng cách 70 km giữa hai trạm trên cùng tuyến đường./.