Chiều nay (1/12), HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua Chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông giai đoạn 2016-2020 với tổng dự toán 2.167,7 tỷ đồng (84,78% số đại biểu đồng ý). Theo Nghị quyết Chương trình mục tiêu được thông qua, những dự án, nội dung Chương trình là cấp bách, có ý nghĩa quan trọng nên cần được ưu tiên bố trí đủ vốn và tập trung huy động mọi nguồn lực để tổ chức thực hiện đúng tiến độ.
Báo cáo tại kỳ họp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết: sau 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông giai đoạn 2012-2015, TP đã giảm 89 điểm ùn tắc xuống còn 51 điểm.
Ùn tắc giao thông, nỗi kinh hoàng của người dân thủ đô (ảnh: KT) |
Phó Chủ tịch UBND TP nhận định, nguyên nhân đó là do sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện giao thông cá nhân (trung bình 10% năm), việc đầu tư các công trình hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, ý thức chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, mạng lưới vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán, để phương tiện gây cản trở giao thông còn diễn ra phổ biến…
Dự kiến tổng vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020 là 2.167 tỷ đồng, trong đó, 700 triệu đồng được sử dụng cho việc lập Đề án hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn Thành phố vào năm 2016.
Theo tờ trình báo cáo tại kỳ họp, trong khi UBND Thành phố nhận định nguyên nhân tắc đường là do phương tiện vận tải công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu vì mới đây, Thành phố lại có điều chỉnh giảm tuyến xe buýt trong những giờ cao điểm để tránh tắc đường. Điều này càng cho thấy sự lúng túng trong việc giải quyết nạn tắc đường ở Thủ đô.
Dù đưa ra giải pháp là trong giai đoạn 2016-2020 sẽ kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà ở cao tầng trong khu vực nội đô và di dân cơ học nhằm hạn chế tăng mật độ dân cư trong khu vực nội đô. Nhưng nhận xét về giai đoạn vừa qua, tờ trình không đưa ra một nguyên nhân mà dư luận đang đặc biệt quan tâm, đó là việc không khống chế được mật độ xây dựng, nhất là đối với các tòa nhà cao tầng trong nội đô, qua việc phổ biến tình trạng điều chỉnh cho phép tăng chiều cao, tăng mật độ sử dụng, chuyển đổi công năng từ văn phòng cho thuê thành nhà ở… cũng như việc các chậm di dời các trụ sở cơ quan nhà nước, các nhà máy xí nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi nội đô./.