Nước cờ cao tay của Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ đang định hình bản thân như một bên liên quan trong tiến trình dàn xếp cuộc xung đột Nagorno-Karabakh hiện nay giữa Azerbaijan và Armenia, đồng thời tỏ rõ Ankara nghiêng về phía đồng minh Baku qua việc cung cấp cho nước này các cố vấn quân sự, hỗ trợ về kỹ thuật và máy bay không người lái.
Nhằm củng cố vị thế tại Kavkaz, Ankara có mục tiêu gây ảnh hưởng tới một loạt giải pháp của cuộc xung đột khi cho rằng các bên trung gian hiện nay, cụ thể là Nhóm Minsk của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), với Nga, Pháp và Mỹ là đồng chủ tịch, đã không thể đạt được bất kỳ tiến triển nào kể từ năm 1994.
Với vai trò như một "người đại diện" của chính phủ Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ nêu điều kiện ngừng bắn là Armenia phải rút khỏi vùng lãnh thổ mà nước này “chiếm đóng", đồng thời đặt câu hỏi về vai trò của Nhóm Minsk.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev khẳng định hôm 6/10 rằng Thổ Nhĩ Kỳ "nên là một phần trong tiến trình đàm phán" ở Nagorno-Karabakh, đồng thời khen ngợi tính hiệu quả của các máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ.
Dựa trên những thông điệp mà Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đưa ra, có thể suy ra những tính toán của họ trong cuộc xung đột này.
Vì một số lý do, mục tiêu của cả Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ là sử dụng một giải pháp quân sự toàn diện để giành lấy Nagorno-Karabakh, không chỉ ở 7 quận ở khu vực, mà Armenia "chiếm đóng" xung quanh.
Trên hết, Ankara quyết tâm mục tiêu này bởi Nga luôn giữ thái độ vô cùng thận trọng ở Kavkaz trong khi vẫn đang "nặng gánh" bởi những cuộc xung đột ở các khu vực khác như Syria, Libya, Ukraine và Crimea. Trong khi đó, Mỹ đang bận rộn với cuộc bầu cử tổng thống còn Liên minh châu Âu đã mất đi sức nặng về mặt ngoại giao. Bên cạnh đó, Armenia cũng đang gặp rắc rối khi không thể tập hợp sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong cuộc xung đột này.
Tuy nhiên, một cuộc chiến kéo dài có thể gây ra những cái giá không mong muốn cho cả Baku và Ankara về quân sự, nhân đạo, kinh tế và ngoại giao, đồng thời buộc họ cân nhắc lại về kế hoạch của mình. Vì vậy, việc Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan quay lại bàn đàm phán là điều không thể tránh khỏi sau một vài chiến thắng cục bộ ở những khu vực phía nam như Jabrail và Fuzuli. Trong một dấu hiệu cho thấy Baku tiến gần đến giải pháp này, hôm 4/10, Tổng thống Azerbaijan Ilham Heydar oglu Aliyev đã hối thúc phía Armenia thiết lập kế hoạch về thời điểm rút khỏi Nagorno-Karabkh và các khu vực xung quanh lãnh thổ của Azerbaijan, một điều kiện ngừng bắn có phần mềm mỏng hơn so với Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyến thăm Baku ngày 6/10 của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan là một dấu hiệu khác cho thấy con đường ngoại giao đang từ từ được mở ra.
Mục tiêu chính của Thổ Nhĩ Kỳ là trở thành một bên cân bằng quyền lực trong vấn đề ở Kavkaz, đồng thời yêu cầu sự nhượng bộ từ phía Nga trong các cuộc xung đột ở Syria và Libya. Ankara có lẽ đang cố gắng hạ thấp tối đa vai trò của Nhóm Minsk, đồng thời thay thế nhóm này bằng một cơ chế mới do Thổ Nhĩ Kỳ và Nga dẫn đầu.
Trong chuyến thăm Baku, ông Erdogan đã tìm cách làm giảm giá trị của những lời kêu gọi ngừng bắn: "Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Các lệnh ngừng bắn trước đó được áp dụng như thế nào? Các người có thể yêu cầu Armenia rút khỏi lãnh thổ Azerbaijan ngay lập tức hay không? Các người có thể đưa ra một giải pháp nhằm đảm bảo việc rút quân này hay không? Không, các người không thể làm được điều đó. Các thành viên Nhóm Minsk đã đánh đồng kẻ chiếm đóng với nạn nhân", ông Erdogan cáo buộc, đồng thời hối thúc "toàn thế giới" thừa nhận "mọi thứ không thể tiếp diễn như thế này".
Một cơ chế đối thoại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga dựa trên các thỏa thuận Astana, Sochi và Moscow đã có thể thực hiện ở Syria, và một cuộc đàm phán không công khai giữa 2 nước cũng đang diễn ra ở Libya. Ankara hy vọng mô hình tương tự cũng có thể được thay thế ở Kavkaz. Nếu không, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây sức ép để Nhóm Minsk mở rộng và đưa cả nước này vào. Tuy nhiên, viễn cảnh như vậy không dễ thực hiện bởi Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải tuyên bố là một bên trung gian trong khi nước này đang công khai ủng hộ Azerbaijan trong cuộc xung đột. Đó là chưa đề cập tới việc ông Erdogan tỏ thái độ giận dữ với sự liên quan của Pháp trong vấn đề này.
Ván cờ khiến Nga đau đầu
Đối với Nga, hôm 6/10, người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài của nước này đã cảnh báo khu vực Nagorno-Karabakh có thể "trở thành một bệ phóng mới cho các tổ chức khủng bố và từ đó, các nhóm phiên quân này sau đó sẽ tràn sang các nước láng giềng của Azerbaijan và Armenia, trong đó có Nga". Những bình luận này đã cho thấy Nga đang đánh giá nghiêm túc về những rủi ro trực tiếp từ cuộc xung đột trên.
Dù vậy, một số nhân tố cho thấy Tổng thống Putin có thể buộc phải tìm cách thỏa hiệp với ông Erdogan.
Thứ nhất, Nga không thể phớt lờ nguy cơ chiến tranh đang chực chờ bùng nổ ở Armenia. Với một viễn cảnh như vậy, Yerevan chắc chắn sẽ viện tới nguyên tắc "một người vì mọi người, mọi người vì một người" trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể do Nga dẫn đầu. Trong khi đó, Belarus, nước thành viên duy nhất có sức mạnh quân sự đáng kể bên cạnh Nga, cũng đang đối mặt với các vấn đề rối ren trong nước. Chừng nào các cuộc xung đột vẫn giới hạn ở khu vực Nagorno-Karabakh thì chừng đó Nga vẫn có thể đóng vai trò là một "anh cả" mà không cần can thiệp trực tiếp. Nếu chiến tranh leo thang sang các thành phố khác của Armenia và Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ có thể can dự vào cuộc xung đột này. Do vậy, cuộc khủng hoảng trên có thể trở thành một vấn đề của NATO và với Nga, đây là một cơn ác mộng.
Ngoài ra, sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ khi đứng về phía Azerbaijan đang hạn chế ảnh hưởng của Nga với nước này. Trong khi đó mối quan hệ giữa Nga và Armenia cũng bị phủ bóng bởi sự thiếu tin tưởng sau cuộc "cách mạng nhung" ở Armenia năm 2018, đưa ông Nikol Pashinyan trở thành Tổng thống. Mặc dù muốn đưa Armenia dịch chuyển khỏi tầm ảnh hưởng của Nga nhưng ông Pashinyan đã có nhiều cuộc điện đàm với Tổng thống Putin kể từ khi xung đột Nagorno-Karabakh nổ ra hồi cuối tháng 9, đồng thời thừa nhận Armenia cần sự bảo vệ của Nga. Ông Pashinyan cũng lên tiếng tin tưởng rằng Nga sẽ hoàn thành "các nghĩa vụ trong hiệp định" nếu cần thiết, trong khi tuyên bố sẽ sẵn sàng "cùng nhau nhượng bộ" với Azerbaijan.
Cuối cùng, ông Putin cần cân nhắc về những lợi ích thương mại hiện nay giữa các tập đoàn năng lượng của Nga là Gazprom, Transneft và Lukoil tại Azerbaijan.
Tất cả các nhân tố trên đều khiến Tổng thống Putin giữ thái độ thận trọng trong khi ông Erdogan gia tăng ảnh hưởng.
Mắc kẹt trong việc định hình một vai trò cân bằng ở Kavkaz, cuối cùng, Nga quyết định thúc đẩy các cuộc trao đổi trong Nhóm Minsk như một cách thể hiện rằng nước này đang ngần ngại tham gia vào một hình thức song phương thay thế với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhóm Minsk dường như là một lựa chọn được ưu tiên hơn của ông Putin, không chỉ để phủ nhận tầm ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ mà còn nhằm làm ấm mối quan hệ với phương Tây.
Dù vậy, việc không thể thảo luận với Azerbaijan về lệnh ngừng bắn có lẽ sẽ mở ra viễn cảnh mà Nga lo ngại. Nước cờ hiểm của Ankara dường như thực sự khiến Moscow phải đau đầu./.