Ngày 9/9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo, số ca tử vong trong đợt bùng phát dịch Ebola hiện nay đã lên tới 2.296 người, tăng thêm gần 200 người chỉ trong một ngày. Hiện tại, tổng số trường hợp được xác nhận nhiễm loại virus chết người này đã là 4.293 người.

Trong khi đó, Liên minh châu Phi cảnh báo, việc các nước tiếp tục đóng cửa biên giới với những nước bị ảnh hưởng sẽ gây cản trở cho công tác đối phó với dịch bệnh.

WHO chưa có số liệu thống kê mới cho riêng quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Ebola là Liberia, song cho biết số người Liberia chết do căn bệnh này thực tế đã cao hơn rất nhiều và dự báo sẽ có thêm hàng nghìn trường hợp mắc bệnh trong 3 tuần tới.

Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf cũng thừa nhận tình hình dịch Ebola ở nước này vẫn rất trầm trọng và sẽ xấu đi trong những tuần tới. Các nhân viên y tế hiện phải làm việc chật vật trong điều kiện thiếu thốn cả trang thiết bị lẫn sự hỗ trợ bên ngoài, trong khi người dân sống trong sợ hãi.

monrovia_ebola_yerf.jpgMột trẻ em tử vong do nhiễm Ebola ở Liberia (Ảnh WND)

Theo ước tính, vùng Montserrado của Liberia, bao gồm cả thủ đô Monrovia, cần tới 1.000 giường bệnh để điều trị cho các bệnh nhân Ebola, trong khi các tổ chức từ thiện y tế chỉ có thể cung cấp khoảng 400 chiếc.

Trước tình hình diễn biến dịch bệnh Ebola ngày càng xấu, Ngoại trưởng Liberia Agustine Kpehe Ngafuan đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường sản xuất các loại thuốc thử nghiệm có hiệu quả chống loại virus có tỷ lệ gây tử vong lên tới 90% này.

Ông Ngafuan cho biết: “Thông qua các kênh truyền thông, chúng tôi được biết là các thử nghiệm trên khỉ đã chứng minh thuốc ZMapp hiệu quả 100% và khả năng hiệu quả trên người cũng rất cao. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng y tế nhanh chóng xúc tiến các nghiên cứu và bất cứ điều gì cần thiết để những loại thuốc này nhanh chóng đến được với những người cần được điều trị”.

Ngoại trưởng Liberia cũng kêu gọi các nước châu Phi hỗ trợ Liberia chống lại dịch Ebola bằng cách dỡ bỏ tất cả các lệnh cấm du lịch, mở cửa trở lại các cửa khẩu biên giới nhằm tạo điều kiện cho việc vận chuyển các nguồn cung cấp thiết yếu. Đây cũng là thông điệp mà chủ tịch Ủy ban liên minh châu Phi Nkosazana Dlamini Zuma đưa ra trong cuộc họp khẩn cấp ngày 8/9 về việc đối phó với dịch Ebola.

Ông Zuma tuyên bố: “Chúng ta cần đảm bảo là Ebola không lan rộng sang các nước khác, bằng cách thực hiện các biện pháp hiệu quả nhằm phát hiện, cách ly và điều trụ những người nhiễm bệnh, bảo vệ những người còn lại khỏi nguy cơ nhiễm bệnh. Đồng thời, cần phải thận trọng không áp dụng các biện pháp ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội hơn là đối với dịch bệnh”.

Hiện Italia là một trong những nước đang nghiên cứu và phát triển loại vaccine kháng virus Ebola. Qua các thử nghiêm trên khỉ, loại vaccine này đã cho kết quả tích cực.

Hiện giai đoạn thử nghiệm vaccine trên người đã được triển khai. Đây là một trong hai loại vaccine mà WHO hỗ trợ nghiên cứu để chống lại dịch bệnh chết người đang hoành hành tại khu vực Tây Phi./.