AP dẫn lời ông Carsten Spohr, giám đốc điều hành hãng hàng không Đức Lufthansa, công ty “mẹ” của hãng hàng không giá rẻ Germanwings đã đau xót thừa nhận: “Ngành hàng không những năm qua đã lơ là quy định an toàn trong buồng lái dẫn đến vụ tai nạn kinh hoàng của chiếc máy bay Germanwings số hiệu 4U 9525”.

ben_trong_qprt.jpgBên trong khoang máy bay Airbus
Theo đại diện của một số hãng hàng không được cho là an toàn nhất thế giới trong năm qua như Qantas (Australia), Lufthansa (Đức), British Airway (Anh) cho dù thực tế những năm 1980, hàng không thế giới đã tồn tại những tiêu chuẩn an toàn đối với phi hành đoàn, cụ thể là an toàn buồng lái, nhưng đã bị coi là “công nghệ” lạc hậu. Vụ Germanwings là hồi chuông báo động cho sự coi nhẹ những quy tắc an toàn này.

Trang điện tử Zee News đề cập đến Hệ thống tránh va chạm mặt đất tự động (Auto-GCAS) do hãng Lockheed Martin phối hợp với NASA và không quân Mỹ phát triển từ thập niên 1980. Phần mềm này không quá phức tạp, nó chỉ cần điều chỉnh là có thể được tích hợp vào hệ thống máy tính cũng như thiết bị truyền tải dữ liệu trên máy bay dân dụng để có thể đề phòng những vụ đâm máy bay vào núi tương tự vụ Germanwings.

Sau khi được cài đặt, hệ thống này sẽ giám sát độ cao, tốc độ của máy bay. Trong trường hợp thấy bất thường độ cao và tốc độ cũng như có cảnh báo nguy hiểm phía trước, cụ thể là nguy cơ máy bay đâm vào vật cản phía trước, nó sẽ kích hoạt chế độ tự lái đưa máy bay về quỹ đạo an toàn. Tuy nhiên, phần mềm này vẫn có nhược điểm là vẫn cho phép phi công vô hiệu hóa chức năng tự kích hoạt chế độ tự lái, thế nên nếu phi công cố tình đâm máy bay tự sát, công nghệ này cũng không thể cứu được mọi người trên máy bay.

Sau vụ cơ phó tử thần trên chuyến bay của Germanwings 4U 9525, các chuyên gia hàng không cùng khối kỹ sư của ngành cho rằng sẽ có cách để điều chỉnh phần mềm này để tránh kịch bản tái diễn./.