Thảm họa Chernobyl là  một trong những thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử.

Hơn 3 thập kỷ đã qua, dù những nỗ lực khắc phục sự cố vẫn chưa hoàn thành, song cũng đã đạt được nhiều bước tiến. Cùng với nỗ lực của chính quyền Ukraine và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, vùng đất này đang từng bước được hồi sinh.

chernobyl_fujn.jpg
Chernobyl ngày nay. Ảnh: HubPages.

Bắt đầu từ hôm qua, rất nhiều hoạt động đã diễn ra tại Chernobyl và nhiều thành phố khác tại Ukraine, Belarus và Nga để tưởng niệm các nạn nhân. Và năm nào cũng thế, cứ đến thời điểm xảy ra sự cố, một tiếng chuông lại được đánh lên như lời nhắc nhở thế giới về thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử này.

Cách đây đúng 31 năm, vào lúc 1h30 sáng (theo giờ địa phương) ngày 26/4/1986, cuộc thử nghiệm an toàn tại nhà máy Chernobyl, nằm cách thủ đô Kiev khoảng 100km về phía Bắc đã biến thành thảm họa khi lò phản ứng số 4 bỗng nhiên phát nổ.

Trong suốt 10 ngày, các thanh nhiên liệu hạt nhân vẫn không ngừng cháy, thải ra không khí các phần tử chứa phóng xạ. Đây được xem là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử khi những thành phần phóng xạ này gây ô nhiễm tới 3/4 lãnh thổ châu Âu, nghiêm trọng nhất là tại Ukraine, Belarus và Nga, lúc đó vẫn nằm trong Liên Xô.

Khi đó, hơn 100.000 người đã phải sơ tán trên một phạm vi rộng 30km xung quay khu vực nhà máy và con số này là 230.000 người trong những năm tiếp theo. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc công bố vào năm 2005, có khoảng 4.000 trường hợp tử vong được xác nhận tại Ukraine, Belarus và Nga. Hiện vẫn có khoảng 5 triệu người tại 3 nước bị ảnh hưởng phải sống trong những vùng bị nhiễm xạ với các mức độ khác nhau.  

Rất nhiều nỗ lực được triển khai để khắc phục thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử này. Hàng trăm nhân viên, chủ yếu là binh lính quân đội, cảnh sát, nhân viên cứu hỏa và nhân viên của nhà máy, đã được huy động tới những khu vực bị thảm họa và sau đó là xây một vỏ bọc lớn bằng bê tông để cách ly lò phản ứng bị tai nạn và dọn dẹp những khu vực xung quanh.

Hơn 3 thập kỷ đã trôi qua, các nhà chức trách Ukraine vẫn đang không ngừng hồi sinh vùng đất này. Một trong số các dự án đang được triển khai và cũng được xem là khả dụng nhất là "hướng tới một tương lai với năng lượng mặt trời" cho khu vực này.

Ông Vitaliy Petruk, người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ trông nom các khu vực nhiễm xạ gần với nhà máy Chernobyl, chính phủ muốn Chernobyl không còn là “một vùng đất chết” nữa, mà sẽ hồi sinh trở nên hữu ích hơn.

Ông Petruk nói: “Đối với những khu vực gần nhất với nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, chúng ta cần phải tìm cách sử dụng chúng một cách hiệu quả nhất. Chúng tôi đang nghĩ tới những khu vực đất trống, những vùng đất nông nghiệp trước đây không được bao phủ bởi rừng và bằng phẳng, liệu chúng ta có thể làm gì để chúng trở nên hữu ích hơn đối với đất nước. Và chúng tôi đã đưa ra sáng kiến xây dựng một công viên năng lượng mặt trời tại đây.”

Tuy nhiên chi tiết kế hoạch vẫn chưa được công bố. Trước đó hồi cuối năm ngoái, một số công ty của Trung Quốc và Đức cũng công bố ý định xây dựng các dự án năng lượng mặt trời tại Chernobyl.

Ngay trong dịp kỷ niệm 31 năm sự cố hạt nhân Chernobyl này, giới chức Ukraine mới đây cũng thông báo kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất năng lượng mặt trời ở khu vực gần nhà máy điện nguyên tử Chernobyl.

Theo thông báo, quá trình xây dựng nhà máy năng lượng mặt trời sẽ được tiến hành vào cuối năm nay, với sản lượng dự kiến khoảng 1400 MW/năm. Hiện công tác hậu cần như kiểm tra mức độ phóng xạ tại khu vực xây dựng nhà máy đã được hoàn tất.

Ngoài ra, để chuẩn bị cho quá trình xây dựng nhà máy năng lượng mặt trời, Ukraine đang nỗ lực hoàn thành công trình chụp một mái vòm mới bằng thép khổng lồ lên lò phản ứng số 4 của Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Đây là công trình được triển khai nhằm chôn vùi vĩnh viễn Lò phản ứng hạt nhân số 4, nơi xảy ra thảm kịch rò rỉ hạt nhân cách đây hơn 3 thập kỷ. Dự kiến toàn bộ công trình này sẽ được hoàn tất vào cuối năm nay./.