Còn trong một tuyên bố vào hôm qua tại thủ đô Kiev của Ukraine, Tổng thư ký Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), ông Lamberto Zannier khẳng định chiến sự vẫn đang tiếp diễn tại khu vực miền Đông Ukraine: “Tôi thực sự lo ngại khi các hành động đối địch vẫn tiếp diễn giữa hai bên. Chúng tôi hy vọng các cuộc xung đột sẽ chấm dứt khi lệnh ngừng bắn chính thức có hiệu lực và tôi cũng mong đợi rằng, các vụ xung đột sẽ giảm đi từ nay cho đến thời điểm lệnh ngừng bắn có hiệu lực”.
Theo thỏa thuận vừa đạt được tại Minsk giữa 4 nhà lãnh đạo gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức, bắt đầu từ 0 giờ ngày 15/2 (giờ địa phương, tức khoảng 5 giờ sáng ngày 15/2 theo giờ Việt Nam), các bên tham chiến ở miền Đông Ukraine sẽ ngừng bắn và bắt đầu rút các vũ khí hạng nặng khỏi chiến tuyến xung đột với khoảng cách đều nhau tối thiểu từ 50 đến 70 km từ đường giới tuyến (quân đội Ukraine rút theo đường giới tuyến hiện nay, lực lượng đối lập theo đường giới tuyến cũ từ ngày 19/9/2014).
Tuy nhiên, Theo Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, vẫn còn chặng đường dài để đi đến một nền hòa bình thực sự ở Ukraine: "Tôi không muốn ai có bất cứ ảo tưởng nào về thỏa thuận vừa ký kết. Chúng ta vẫn còn một chặng đường rất dài để đi đến hòa bình. Không ai có một niềm tin mạnh mẽ rằng thỏa thuận hòa bình được ký kết tại Minsk sẽ được thực hiện nghiêm túc.. "
Trong khi đó, Các nhà lãnh đạo nhóm 7 nền công nghiệp phát triển trên thế giới G7 gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ hôm qua đã bày tỏ quan ngại về tình hình tại Ukraine, đồng thời kêu gọi các bên thực thi những biện pháp được đề cập trong thỏa thuận hòa bình mới tại Minsk, Belarus ngay lập tức.
Tuyên bố do Pháp- nước chủ tịch G7 công bố cũng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, đồng thời khẳng định nhóm G7 sẵn sàng triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thỏa thuận Minsk bị vi phạm.
Cùng ngày, Điện Kremlin cho biết, 4 nhà lãnh đạo Nga, Đức, Pháp, Ukraine vẫn duy trì liên lạc về cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ hy vọng về một cuộc điện đàm giữa các bên trong những ngày sắp tới.
Theo đánh giá của các nhà phân tích, thỏa thuận ngừng bắn này chưa thể bảo đảm một nền hòa bình lâu dài tại miền Đông Ukraine, mà yếu tố quyết định là việc các bên liên quan có thực thi đầy đủ và tức thì thỏa thuận ngừng bắn tại thực địa để chấm dứt đổ máu hay không. Đến nay, cuộc xung đột vũ trang kéo dài 10 tháng ở Ukraine đã dẫn đến kết cục đau thương, đó là khoảng 5.500 người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người phải rời bỏ đất nước.
Chính vì thế mà thỏa thuận ngừng bắn mới được coi là "ánh sáng cuối đường hầm", có thể mở ra một trang mới trong tiến trình hòa bình, chấm dứt cuộc khủng hoảng đau thương ở đất nước Đông Âu này./.