Thời gian gần đây, bên cạnh việc khôi phục sản xuất, tạo công ăn việc làm cho các lao động thất nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng là một trong những trọng tâm công tác của Chính phủ Trung Quốc.

ho_bac_lqiw.jpg
Các chuyến xe đưa người lao động quay trở lại làm việc ở Hồ Bắc. Ảnh: Nhật báo Hồ Bắc.

Trước thực tế nhiều lao động đến từ vùng dịch nghiêm trọng ở Hồ Bắc bị phân biệt đối xử trong quá trình làm việc và tìm việc làm, Trung Quốc đã công bố nhiều văn bản với những quy định về việc chống kỳ thị.

Ông Du Quân, Thứ trưởng Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc đã tái khẳng định những quy định về chống kỳ thị với nguyên tắc "3 không".

Theo đó, các cơ sở dịch vụ và đơn vị sử dụng nguồn nhân lực không được đăng tải các thông tin từ chối tuyển dụng người lao động đến từ vùng dịch nghiêm trọng, không được lấy lý do đến từ vùng dịch từ chối nhận người, không được hủy hợp đồng lao động hoặc trả lại nhân viên được cử đến làm việc vì lý do họ chưa thể quay lại vị trí vì dịch bệnh.

Quan chức này thừa nhận, lao động đến từ Hồ Bắc đang phải chịu những áp lực rất lớn khi quay lại làm việc hoặc tìm việc làm. Hiện nhiều địa phương của nước sau khi viện trợ vật tư y tế cho Hồ Bắc đã phải chuyển sang hỗ trợ việc làm cho người lao động của tỉnh này.

Chính phủ Trung Quốc đã phải đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ Hồ Bắc trong lĩnh vực việc làm, như nới lỏng tiêu chuẩn bảo hiểm thất nghiệp, cấp phát tiền trợ cấp tìm việc, cung cấp thông tin việc làm cho sinh viên Hồ Bắc....

Theo đánh giá mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động do Covid-19 gây ra có thể làm tăng thêm 25 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu. Tại Trung Quốc, trong khoảng 20 năm qua, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đô thị thường dao động ở mức 4-5%. 2 tháng đầu năm nay, con số trên đã tăng vọt lên mức 6,2%./.