Mạng tin Sankei dẫn nguồn tin truyền thông Trung Quốc cho biết biểu tình đã đồng loạt diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Sơn Đông trong ngày 11/9 nhằm phản đối Nhật Bản mua quần đảo tranh chấp Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. 

tau%20hai%20giam%202%20(telegraph).jpg
Tàu hải giám Trung Quốc (ảnh: Telegraph)

Sáng 11/9, khoảng 20 nhà hoạt động đứng trước Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh giương các biểu ngữ phản đối, đòi “trả lại Điếu Ngư.” Tuy nhiên, nhà chức trách Trung Quốc đã lập hàng rào cảnh sát vây quanh Đại sứ quán từ sáng sớm.  Theo quan chức Đại sứ quán, không hề có hành vi mang tính bạo lực nào như ném đá vào tòa đại sứ.  Các tờ báo Trung Quốc ra ngày 11/9 đã dành riêng một trang để đưa tin về Senkaku.  Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng toàn văn những tuyên bố cứng rắn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong khi tờ Tin tức Quốc tế, thuộc Nhân dân Nhật báo, còn tính đến khả năng Mỹ sẽ nhảy vào nếu tình hình đối đầu Trung-Nhật căng thẳng, đồng thời kêu gọi Trung Quốc cần chuẩn bị cho “tình huống xấu nhất.” Căng thẳng Trung-Nhật đã lan sang cả các hoạt động giao lưu nhân dân. Cùng ngày, cuộc họp báo liên quan đến giải maraton quốc tế thường niên ở Thượng Hải do một công ty Nhật Bản tài trợ đã đột ngột bị dừng lại trong khi khoảng vài chục người biểu tình đứng trước Tổng lãnh sự quán Nhật Bản ở Thượng Hải và Quảng Châu bày tỏ phản đối Nhật Bản.  Các sự kiện được tổ chức chung giữa hai nước ở Thượng Hải trong thời gian tới như “Green Expo Trung-Nhật” và “Lễ hội du lịch Thượng Hải” cũng đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng do căng thẳng ngoại giao. Ngoài ra, cộng đồng người Hoa ở Mỹ cũng kêu gọi trên mạng Internet triệu tập biểu tình phản đối Nhật Bản tại các thành phố San Francisco, Seattle, New York, Washington,… từ ngày 15-18/9.

Trong diễn biến liên quan, Tân Hoa xã cho biết, Trung Quốc đã cử hai tàu hải giám tuần phòng vùng biển quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, nơi có ba đảo đã bị chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa vào hôm 11/9.

Trước đó, ngày 10/9, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức công bố quyết định mua từ các chủ tư nhân người Nhật 3 trong số 5 đảo tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông. Các phương tiện truyền thông Nhật Bản đưa tin, thỏa thuận về việc mua lại 3 hòn đảo Uotsuridzima, Kitakodzima và Minamikodzima (tiếng Nhật) đã được ký kết vào sáng 11/09.

Trước đó Bắc Kinh đã tuyên bố rằng, đây sẽ là một thỏa thuận phi pháp lý và không có hiệu lực, sau khi nhắc lại với Nhật Bản về chủ quyền lịch sử quần đảo của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đánh giá việc chính phủ Nhật Bản mua lại các đảo này là hành động yêu sách với chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao cảnh báo, vụ việc có thể dẫn tới những "hậu quả nghiêm trọng" nếu Nhật Bản không từ chối những hành động như vậy./.