Khu vực miền đông Ukraine tiếp tục căng thẳng khi chính quyền lâm thời nước này nối lại chiến dịch quân sự để đối phó với những người biểu tình phản đối Chính phủ. Trong bối cảnh như vậy, thay vì tìm ra những giải pháp ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng, các nước liên quan bắt đầu thông báo thêm các biện pháp trừng phạt lẫn nhau, được cho là "đổ thêm dầu" vào tình hình hiện nay tại Ukraine.

ukraine%201_copy.jpg
Binh lính Ukraine gần Slavyansk (Ảnh: RIA Novosti)

Theo hãng tin Itar- Tass của Nga, 3 nhân viên an ninh của Ukraine đã bị những người ủng hộ liên bang hóa tại Donetsk bắt giữ hôm 26/4. Những người biểu tình cho rằng, nhiệm vụ của các nhân viên an ninh này là thu thập thông tin tình báo và bắt giữ một trong những thủ lĩnh của nhóm biểu tình tại Donetsk, ông Igor Bezler.

Những người biểu tình tại thành phố phía đông Slavyansk cũng cho biết sẵn sàng trao đổi một nhóm quan sát viên quốc tế người Đức mà họ đang giam giữ để đổi lại những người biểu tình đã bị chính quyền Ukraine bắt giữ. Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) hôm qua đã triển khai một nhóm đàm phán để thảo luận việc trả tự do cho những quan sát viên này.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hoan nghênh đề nghị hỗ trợ từ phía Nga giúp giải thoát cho các quan sát viên đang bị bắt giữ tại miền Đông. Ông Steinmeier nói: “Tôi đã thảo luận vấn đề các quan sát viên bị bắt giữ tại miền đông Ukraine với chủ tịch OSCE, Thủ tướng Ukraine và Ngoại trưởng Nga. Tôi hoan nghênh những cam kết của cả 3 bên sẽ hỗ trợ cho những nỗ lực để giải thoát cho các quan sát viên này. Chúng tôi đang làm mọi việc có thể để thả tự do cho những người đang bị bắt giữ, đảm bảo họ được an toàn và khỏe mạnh sớm nhất có thể”.

Trong bối cảnh miền đông Ukraine không có dấu hiệu hạ nhiệt, thay vì tiếp tục những nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao, các nước liên quan lại  gây sức ép lẫn nhau bằng các biện pháp trừng phạt. Lãnh đạo Nhóm G7 (gồm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới ) đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, mỗi nước G7 sẽ tự đưa ra biện pháp trừng phạt của mình, có thể phối hợp với nhau, nhưng không nhất thiết các biện pháp phải giống nhau. Các biện pháp có thể nhằm vào cá nhân hoặc các công ty có ảnh hưởng trong các khu vực quan trọng của nền kinh tế Nga như năng lượng và ngân hàng.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết: “Tôi nghĩ sẽ có một hành động thống nhất chung của châu Âu và nhóm G7. Khi không có bước tiến được đưa ra về tình hình Ukraine, chúng tôi sẽ không chỉ nghĩ, mà sẽ phải lên kế hoạch cho các biện pháp trừng phạt xa hơn trong khuôn khổ giai đoạn 2".

Nhiều khả năng Mỹ sẽ công bố các biện pháp mới trừng phạt nhằm vào các quan chức cấp cao trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng Nga vào ngày mai (28/4). Liên minh châu Âu cũng đang có kế hoạch thông báo thêm các biện pháp trừng phạt. Đại sứ 28 nước thành viên của khối sẽ có cuộc họp vào ngày mai tại Brussels (Bỉ) để thảo luận gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Trước sức ép này, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã tuyên bố rằng, Chính phủ Nga có thể giảm thiểu các tác động của lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế nước này. Ông khẳng định Nga không lo sẽ bị tổn hại nhiều về công nghiệp quốc phòng và an ninh.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 26/4 cũng có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bàn về tình hình Ukraine. Ông Lavrov đề nghị Mỹ  hỗ trợ việc thả những lãnh đạo biểu tình bị bắt giữ tại miền đông nam Ukraine, nhấn mạnh cần thiết phải đưa ra các biện pháp giảm căng thẳng, trước tiên đó là dừng chiến dịch trấn áp những người biểu tình tại miền Đông. Bộ Quốc phòng Nga hôm qua (26/4) cũng bác bỏ các cáo buộc của Mỹ cho rằng, máy bay tiêm kích Nga vi phạm không phận Ukraine trong mấy ngày qua. Theo phía Nga, những tuyên bố tương tự của giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ làm phức tạp thêm tình hình trong khu vực chứ không giúp giảm căng thẳng tại Ukraine.

Mặc dù gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, Mỹ và các nước phương Tây cũng hiểu rõ rằng sẽ phải đối mặt với các biện pháp trả đũa từ phía Nga. Điều này không những bất lợi cho tình hình Ukraine hiện nay mà còn tác động trực tiếp đến lợi ích của các nước tham gia trừng phạt. Chính vì vậy, trong tuyên bố đưa ra, nhóm G7 cũng nhấn mạnh cánh cửa vẫn mở cho một giải pháp ngoại giao đối với cuộc khủng hoảng Ukraine./.