Đã trong 1 năm kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần đầu tiên, giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra tại Singapore với 1 bản tuyên bố chung được đưa ra vào ngày 12/6. Đây được xem là 1 bước chuyển mình lớn, đối với tình hình bản đảo Triều Tiên và mối quan hệ Mỹ - Triều lúc bấy giờ. Tuy nhiên, mọi thứ “không thể dễ dàng” như người ta nghĩ, các cuộc đàm phán hạt nhân giữa các bên, sau bước chuyển mình ấy, vẫn diễn ra hết sức chậm chạp và đôi khi lâm vào bế tắc.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) bắt tay Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ngày 12/6/2018. Ảnh: CNN |
Từng bị Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “hủy”, rồi lại “không hủy”, thượng đỉnh Mỹ – Triều ngày 12/6/2018 diễn ra trong sự hoan nghênh của toàn thế giới, với kỳ vọng về 1 bán đảo Triều Tiên “không còn vũ khí hạt nhân, kinh tế Triều Tiên phát triển và mối quan hệ Mỹ – Triều được cải thiện. Và tuyên bố chung tại Singapore sau cuộc gặp thượng đỉnh ấy, với 4 điểm chính với những cam kết “chung chung” được xem là tiền đề, một khởi đầu cho 2 quốc gia đối địch “trao gửi niềm tin”.
Ngay sau cuộc gặp này, Tổng thống Mỹ đã đình chỉ các cuộc tập trận quân sự lớn chung với phía Hàn Quốc, trong khi Triều Tiên đã đồng ý trao trả những bộ hài cốt binh sĩ Mỹ bị thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953 – khiến tình hình bán đảo Triều Tiên dịu đi trông thấy.
Những cử chỉ thiện chí liên tiếp được Triều Tiên đưa ra, trong đó đặc biệt phải kể đến việc gỡ bỏ cơ sở hạ tầng bãi thử tên lửa Sohae. Hàng loạt các cuộc đàm phán giữa quan chức cấp cao Mỹ – Triều Tiên đã được tổ chức ở cả 2 nước, với không ít lần công du Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Dẫu vậy, cũng đã có những cuộc gặp được lên kế hoạch đã bị 2 bên hủy bỏ mà “không nêu rõ lý do”.
Hồi cuối tháng 8/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hủy chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Pompeo khi ông thấy tiến trình phi hạt nhân hóa không có “tiến triển”. Sự bế tắc đã trở nên rõ ràng hơn khi Triều Tiên nhiều lần “trách” Mỹ không có những hành động thiện chí “đáp lễ”, khi Mỹ khăng khăng quan điểm chỉ dỡ bỏ trừng phạt khi tiến trình phi hạt nhân hóa được Triều Tiên thực hiện và có kiểm chứng.
Và cuộc gặp thượng đỉnh Moon-Kim lần 3 trong năm 2018 diễn ra chỉ 1 tháng sau đó, được xem là liều thuốc kích thích, cú hích phá tan sự bế tắc của tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên.
Sau thượng đỉnh liên Triều lần 3, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết: “Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã bày tỏ mong muốn hoàn thành quá trình phi hạt nhân hóa nhanh chóng để tập trung vào việc phát triển kinh tế. Ông Kim Jong-un hi vọng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sớm đến thăm Triều Tiên và hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 có thể diễn ra trong tương lai gần, để thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa này”.
Dẫu vậy, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng cảnh báo: “Tôi luôn sẵn sàng ngồi xuống đối thoại với Tổng thống Mỹ vào bất kỳ thời điểm nào và sẽ đưa ra những nỗ lực để đạt được kết quả mà cộng đồng quốc tế mong đợi. Tuy nhiên, nếu Mỹ muốn thử thách sự kiên nhẫn của chúng tôi, dùng vũ lực và theo đuổi các biện pháp trừng phạt, chúng tôi sẽ tìm hướng đi mới để bảo vệ chủ quyền và đạt được hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”.
Một “cơn lốc ngoại giao mới” đã được Mỹ – Hàn – Triều đẩy mạnh sau đó và kết quả chính là hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 diễn ra hồi tháng 2 vừa qua tại Hà Nội. Cả thế giới đặt nhiều kỳ vọng vào 1 tuyên bố chung “rõ ràng” hơn sẽ được đưa ra tại hội nghị này.
Tuy nhiên, ngoài những thiện cảm về quốc gia tổ chức hội nghị, về tình bạn giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ – Triều, tuyên bố chung không được 2 bên đưa ra khi những bất đồng quan điểm lớn về các bước đi của tiến trình phi hạt nhân hóa không được thống nhất. Mỹ vẫn khăng khăng các lệnh trừng phạt Triều Tiên cho đến khi nước này phi hạt nhân, trong khi Bình Nhưỡng muốn Washington giảm 1 phần các lệnh trừng phạt nhằm vào mình.
Kể từ đó đến nay, tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ – Triều đã lầm vào bế tắc. Triều Tiên đã bắt đầu phóng các loại tên lửa tầm ngắn và thử 1 các loại vũ khí mới thời gian qua như 1 thông điệp “cứng rắn” tới Mỹ. Ngày 11/6, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên lại tiếp tục kêu gọi Mỹ từ bỏ “chính sách mang tính thù địch” nhằm vào Triều Tiên nếu không tuyên bố chung 1 năm về trước giữa 2 Nhà lãnh đạo Mỹ – Triều tại Singapore sẽ trở thành 1 “tờ giấy trắng” không giá trị.
Dẫu vậy, vẫn có những quan điểm lạc quan cho rằng, các cuộc đàm phán Mỹ – Triều sẽ sớm được nối lại. Thậm chí có khả năng 1 cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ 3 giữa Tổng thống Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể diễn ra vào cuối năm nay./.