Triều Tiên hôm qua (30/4) ra tối hậu thư, yêu cầu Mỹ từ nay đến cuối năm phải thay đổi cách tiếp cận đối với các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa, nếu không sẽ phải đối mặt “với những hậu quả không mong muốn”. Thời quan qua, chính quyền Triều Tiên đã nhiều lần thể hiện “sự không hài lòng” đối với cách tiếp cận của chính quyền Mỹ, cho rằng, đây là một trong những lý do chính khiến tiến trình đàm phán lâm vào bế tắc.
Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui. Ảnh: AP. |
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) mới đây dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao nước này Choe Son-hui cảnh báo Mỹ sẽ phải đối mặt với những hậu quả không mong muốn nếu đến cuối năm nay, không đưa ra lập trường mới về đàm phán hạt nhân.
Phát biểu trên của Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui một lần nữa cho thấy sự không hài lòng của chính quyền Triều Tiên đối với quan điểm của Tổng thống Donald Trump về đàm phán hạt nhân. Trước đó hồi cuối tháng 2 vừa qua, sau khi Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 với Tổng thống Donald Trump kết thúc mà không đạt thỏa thuận chung, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cũng đã đặt hạn chót đến hết năm nay để Mỹ tỏ ra mềm dẻo hơn trong cách tiếp cận với Triều Tiên.
Tuy nhiên, khi đó, cả ông Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo đều từ chối hạn chót này. Hay mới đất nhất hồi giữa tháng 4/2019, một quan chức khác của Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã tuyên bố nước này không công nhận Ngoại trưởng Mike Pompeo là đối tác trên bàn đàm phán, và đề nghị thay người nào "cẩn trọng và chín chắn hơn".
Trong một phản ứng mới nhất, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dù không đề cập trực tiếp tới thời hạn mà Triều Tiên đưa ra, song khẳng định, Mỹ vẫn sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên. Ngoại trưởng Pompeo thể hiện không lo ngại về những lời công kích trên, đồng thời nói thêm rằng chỉ có một cách tiếp cận thực tế đối với vấn đề phi hạt nhân hóa - đó là bắt đầu với việc từ bỏ sự hăm dọa.
Đây cũng là lập trường khá trái ngược trong cách tiếp cận của Mỹ. Bởi tới nay bất chấp những lời kêu gọi của Triều Tiên, chính quyền Mỹ vẫn kiên quyết không nới lỏng sức ép với nước này và tin rằng đây là cách tốt nhất để buộc Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa.
Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh:“Không có gì thay đổi. Chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc và đàm phán. Đại diện đặc biệt Mỹ Stephen Biegun sẽ tiếp tục dẫn dắt các nỗ lực của Mỹ nhằm cụ thể hóa cam kết của Chủ tịch Kim Jong Un đưa ra hồi tháng 6 năm ngoái về phi hạt nhân hóa. Tôi tin rằng, chúng ta vẫn có cơ hội thực sực để đạt được kết quả”.
Triều Tiên tới nay vẫn muốn tìm kiếm một thỏa thuận nhằm nới lỏng trừng phạt đổi lại việc dỡ bỏ một số cơ sở hạt nhân của mình, song Tổng thống Donald Trump kêu gọi một “thỏa thuận lớn” trong đó các trừng phạt sẽ được dỡ bỏ nếu nước này giao toàn bộ vũ khí hạt nhân cho Mỹ. Trong bối cảnh tiến trình đàm phán về phi hạt nhân hóa đang lâm vào bế tắc, đã xuất hiện nhiều ý kiến đề cập tới khả năng nối lại tiến trình đàm phán 6 bên (gồm Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Nhật Bản) như đề xuất của Tổng thống Nga Putin mới đây.
Chính quyền Mỹ đã dù không bác bỏ đề xuất này, song đây không phải là một ưu tiên của Mỹ trong vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton khẳng định, Tổng thống Donald Trump vẫn tin tưởng vào mối quan hệ tốt đẹp với Chủ tịch Kim Jong Un và vì thế vẫn cân nhắc tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh thứ 3 với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Theo các nhà phân tích, quan điểm này không phải là không có cơ sở khi mà ông Donald Trump đang muốn tạo điểm nhấn cho nhiệm kỳ Tổng thống của mình, trong bối cảnh các chiến dịch tranh cử cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020./.
Vì sao Thượng đỉnh Nga -Triều Tiên là nỗi ám ảnh với Mỹ và Trung Quốc?