Theo đánh giá của giới chuyên gia, đây sẽ là cơ hội để cộng đồng thế giới dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên và giúp nước này nâng cao hình ảnh sau hàng loạt vụ thử tên lửa và hạt nhân hồi năm 2017.

the_van_hoi_fxal.jpg
Ảnh minh họa: CNBC

Hôm 9/1 vừa qua, Hàn Quốc và Triều Tiên đã tiến hành cuộc đàm phán cấp cao lần đầu tiên sau 2 năm tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Kết thúc đàm phán, phía Triều Tiên nhất trí sẽ cử đoàn Ủy ban Olympic quốc gia, các vận động viên, đội cổ vũ, đội biểu diễn nghệ thuật, cổ động viên, một đội trình diễn Taekwondo và phóng viên. Phía Hàn Quốc sẽ cung cấp những cơ sở và tiện nghi cần thiết cho đoàn Triều Tiên.

Triều Tiên từng từ chối tham dự Thế vận hội mùa Hè 1988 tại thủ đô Seoul. Do đó, Olympic mùa Đông PyeongChang sẽ là kỳ Olympic đầu tiên tại Hàn Quốc có sự góp mặt của Triều Tiên. Dư luận và giới chuyên gia đã đánh giá cao cuộc đàm phán lần này giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

Phát biểu trước báo giới trước khi đến địa điểm đàm phán, ông Lee Woo-sung, một quan chức cấp cao của Bộ Văn hóa Hàn Quốc cho biết, chuyến tham dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang của Triều Tiên dành được sự chú ý cả ở trong nước và quốc tế. Hàn Quốc sẽ nỗ lực hết sức để cuộc đàm phán mang lại kết quả tốt.

 Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong phát biểu trước báo giới ngày 10/01 vừa qua cũng đã nhấn mạnh đến ý này: “Chúng tôi để ngỏ bất cứ hình thức đàm phán nào. Tuy nhiên, đàm phán không chỉ để đàm phán. Nếu chúng tôi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh, cần có những điều kiện hỗ trợ cho cuộc gặp”.

Triều Tiên chưa lên tiếng bình luận về cuộc tiếp xúc. Song trước đó,  báo chí Triều Tiên ngày 14/1 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hòa giải và đoàn kết giữa hai miền Triều Tiên, đồng thời kêu gọi mở rộng các hoạt động giao lưu liên Triều theo cách có lợi cho việc tái thống nhất.

Bài xã luận đăng trên nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, nhấn mạnh: “Điều quan trọng là thực hiện hòa giải và đoàn kết giữa người dân nhằm cải thiện mối quan hệ Triều Tiên – Hàn Quốc và tạo bầu không khí có lợi cho tái thống nhất.

Cánh cửa đối thoại và tiếp xúc sẽ vẫn mở cho bất kỳ ai ở Hàn Quốc, kể cả những người thuộc đảng cầm quyền và đối lập cũng như những người thuộc các nhóm khác nhau hay những cá nhân riêng lẻ”.

Tờ báo cũng kêu gọi các chính trị gia ở Hàn Quốc ủng hộ và chấp nhận đề nghị hòa giải của Triều Tiên. Theo một số nguồn tin, dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên là ông Kwon Hyok-bong, Cục trưởng Cục Biểu diễn nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa Triều Tiên.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, dưới áp lực của những biện pháp trừng phạt quốc tế, việc Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa Đông lần này sẽ là cơ hội tốt để Triều Tiên cải thiện hình ảnh của mình sau hàng loạt vụ thử tên lửa và hạt nhân hồi năm ngoái.

Theo ông Cheong Seong-chang, chuyên gia Viện nghiên cứu Sejong, để cuộc tiếp xúc có thể hóa giải những căng thẳng, phái đoàn của hai bên sẽ có nhiều việc phải làm, trong đó cần nhất là phải thảo luận chi tiết về trang phục của phái đoàn tham dự, cách thức biểu diễn tại Thế vận hội./.