Sau khi Nga ký quyết định dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran, Thủ tướng Israel hôm 14/4 đã bày tỏ mối quan ngại về quyết định này.

Thủ tướng Israel cho rằng, dựa vào quyết định này, Iran sẽ tăng cường vũ trang cho chính quyền Syria hay phong trào Hezbollah bao vây Israel. Chính quyền ở Tel Aviv vốn phản đối chính phủ Syria và coi phong trào Hezbollah là tổ chức khủng bố. 

s300_vvia.jpg

Hệ thống tên lửa phòng không S-300 (Ảnh: AP)

Đáp lại quan ngại này, ngày 14/4, RT dẫn một tuyên bố của điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra lời giải thích chi tiết cho Thủ tướng Israel về quyết định dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp hệ thống S-300 của Nga.

Theo Tổng thống Vladimir Putin, các thông số kỹ thuật của hệ thống S-300 cho thấy hệ thống này hoàn toàn là một vũ khí phòng thủ chứ không mang mục đích tấn công; do vậy hệ thống S-300 “sẽ không gây ra bất kỳ mối đe doạ nào đối với an ninh của Israel hay các nước khác ở Trung Đông”.

“Lệnh cấm bán hệ thống S-300 cho Iran lúc này là không phù hợp”

Nga đã ký hợp đồng cung cấp 5 hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran từ năm 2007 với giá trị 800 triệu USD. Tuy nhiên, vào năm 2010, hợp đồng này buộc phải tạm thời đình chỉ do lệnh cấm vận bán vũ khí cho Iran của Liên Hợp Quốc.

Vào thời điểm ấy, Nga hoãn bán hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran khi mối quan hệ giữa Nga và phương Tây còn tốt đẹp. Tuy nhiên, Moscow tin rằng lúc này, lệnh cấm vận là không còn phù hợp. Hơn thế nữa, hệ thống tên lửa phòng không S-300 không nằm trong danh sách cấm.

Theo RT, sự thay đổi quyết định diễn ra trong bối cảnh cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran đang có những tiến bộ khả quan, mà có thể sẽ đưa ra một thoả thuận cuối cùng vào mùa hè năm nay.

Ngại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng nhấn mạnh thêm rằng, lệnh cấm vận là không còn cần thiết, quyết định này là quyết định tự nguyện từ phía Nga.

Bên cạnh đó, Nga cũng đã bắt đầu cung cấp ngũ cốc, thiết bị và vật liệu xây dựng cho Iran để đối lấy dầu thô.

Mỹ không hài lòng nhưng thừa nhận Nga làm đúng

Trong khi Iran hoàn toàn ủng hộ quyết định này của Nga thì Israel và Mỹ đều bày tỏ sự không hài lòng đối với quyết định.

Tuy nhiên, phía Mỹ cũng thừa nhận rằng quyết định này của Nga không vi phạm lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và không tác động đến “sự nhất quán” của Nga về các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran.

Đối với vấn đề hạt nhân Iran, các nước phương Tây đang hứa hẹn rằng trong tương lai một số biện pháp trừng phạt đối với Tehran sẽ được dỡ bỏ, đặc biệt trong các lĩnh vực dầu mỏ và tài chính.

Tuy nhiên ngày 14/4,  Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã cảnh báo rằng điều quan trọng là cần phải chờ cho đến khi phía Tehran thực hiện được thoả thuận của họ./.