Sau đó, ngày 10/9, ông sẽ có bài phát biểu nhân kỷ niệm 13 năm vụ khủng bố ngày 11/9/2001 diễn ra ngay trên đất Mỹ.
Thông tin trên được Tổng thống Obama đưa ra trong buổi phỏng vấn phát ngày 7/9 trên kênh truyền hình NBC của Mỹ.
“Tôi chỉ muốn người Mỹ hiểu rõ về bản chất mối đe dọa (của tổ chức IS) và cách thức chúng tôi đối phó với mối đe dọa này cũng như sự tự tin rằng chúng ta có thể giải quyết được vấn đề này”, Tổng thống Obama tuyên bố.
Ông Obama cũng tái khẳng định việc từ chối đưa bộ binh đến tham gia chiến đấu trực tiếp chống lại tổ chức IS, vốn đang nắm giữ nhiều khu vực trong lãnh thổ Iraq.
Theo chỉ đạo của Tổng thống Mỹ, quân đội nước này đã tiến hành hơn 130 cuộc không kích nhằm vào tổ chức IS tại Iraq chỉ trong vòng 1 tháng qua.
Để trả đũa cho hành động này, tổ chức IS đã hành quyết hai nhà báo Mỹ mà chúng bắt cóc tại Syria vào năm ngoái.
Các nhà lập pháp Mỹ đã gia tăng áp lực đối với ông Obama và yêu cầu mở rộng các cuộc không kích của mỹ sang Syria. Dù cho đến nay ông Obama vẫn không đáp ứng yêu cầu này, ông vẫn muốn các cố vấn quân sự của mình đề xuất các phương án để tiêu diệt tổ chức IS.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông Obama cho biết Mỹ sẽ không đối phó với tổ chức IS một mình mà sẽ tiến hành các hoạt động như một phần trong liên minh với các nước khác và sẽ tiếp tục việc không kích tổ chức IS để hỗ trợ những nỗ lực trên bộ do quân đội Iraq và người Kurd đang tiến hành.
Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO, Mỹ và 9 đồng minh của mình đã đồng ý việc tấn công tổ chức IS bởi những nguy cơ mà tổ chức này gây ra đối với các nước thành viên.
“Rõ ràng là ông Obama đã tập trung thành lập một liên minh để sẵn sàng giải quyết tổ chức IS”, Nghị sỹ Đảng cộng hòa và là Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers nói.
Tuy nhiên, Tổng thống Obama “cần phải tham vấn Quốc hội và người dân Mỹ về những gì mà chúng ta sẽ chuẩn bị làm”, ông Rogers nói thêm.
Ông Rogers cũng cho rằng ông Obama cần phải giải thích cụ thể tại sao những kẻ quá khích lại là mối đe dọa đối với Mỹ và cần phải có một chiến lược cụ thể để kết thúc mối đe dọa nói trên.
Trong khi đó, Nghị sỹ Đảng Dân chủ Dianne Feinstein lại muốn được biết về chính sách ngoại giao và quân sự của Tổng thống Obama nhằm vào tổ chức IS.
“Thời gian của chúng ta đang bị lãng phí bởi chúng ta đã từng nói rằng chúng ta sẽ tiếp tục chiến lược tấn công của mình. Đây là thời điểm để nước Mỹ thể hiện tầm ảnh hưởng và sức mạnh của mình”, ông Feinstein nói.
Chiến lược của ông Obama phụ thuộc vào việc hình thành một chính quyền mới tại Iraq cũng như việc hợp tác và đóng góp của các đối tác trong khu vực bao gồm Saudi Arabia, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Obama nói ông hy vọng rằng chính quyền mới tại Iraq có thể được thành lập trong tuần này.
“Tôi muốn mọi người hiểu rằng, trong vài tháng tới, chúng tôi sẽ không chỉ làm nhụt bước tiến của tổ chức IS mà dần dần làm suy yếu năng lực của chúng, làm giảm đáng kể những khu vực do chúng kiểm soát và cuối cùng là đánh bại chúng”, ông Obama nói./.