Đây là tên của tòa soạn mà một số nhà báo nòng cốt đã bị giết hại bởi 3 kẻ khủng bố ngay giữa ban ngày ở thủ đô Paris – trở thành tên của hàng trăm, hàng triệu người Pháp muốn bảo vệ những giá trị của nền Cộng hòa Pháp- “Tự do- Bình đẳng- Bác ái”.

toi_la_charlie_pmjf.jpgMột phụ nữ Pháp giơ tấm biển "Tôi là Charlie" để ủng hộ các nạn nhân vụ xả súng tại tòa soạn báo Charlie Hebdo

11/9 đối với nước Pháp

Hành động táo tợn của những kẻ khủng bố nhằm vào tòa soạn Charlie Hebdo vào giờ họp ban biên tập, tìm và diệt trực tiếp Giám đốc biên tập – người có bút danh là Charb… cho thấy bọn chúng đã có sắp đặt và đích ngắm. 8 nhà báo, trong đó có 4 tay vẽ gạo cội của báo chí biếm họa Pháp, ra đi dưới làn đạn của khủng bố, ngay tại nơi làm việc dù được cảnh sát Pháp bảo vệ.

Toàn bộ nước Pháp và cả thế giới bàng hoàng lẫn tức giận. Sự kiện này được ví như vụ khủng bố 11/9 thách thức nước Pháp.

Charlie, họ là ai ?

Thực tế trước khi xảy ra vụ việc, những nhà vẽ tranh biếm họa của Charlie Hebdo bị không ít người ghét vì công việc không giống ai của họ. Nhưng với họ, đơn giản đó là một cách bình thường hóa và cân bằng mọi thứ đang bị đẩy lên cao trào đến mức cực đoan, trong đó có đạo Hồi.

 Tấm biển "Tôi là Charlie" cũng xuất hiện trên lưng một người đàn ông và nhiều người dân Pháp khác tham gia cuộc tuần hành tại thủ đô Paris tối 7/1

Họ có niềm tin sắt đá rằng những bức vẽ của mình chỉ để tái cân bằng chứ không phải để khiêu khích. Nhưng cũng vì niềm tin đó, họ bị không ít chỉ trích và cả những hình phạt, từ đóng cửa đổi tên tòa soạn sau vụ vẽ tranh biếm họa cố tổng thống Charles De Gaulle đến những lời đe dọa trả thù sau các bức biếm họa đấng Allah của đạo Hồi và giờ đây là phải đổi cả tính mạng…

Biên tập viên cao cấp Charlie Hebdo Stéphane Charbonnier, thường gọi là Charb, nay trở nên bất tử với câu nói “Tôi thà chết thẳng chứ không chịu sống quỳ”.

Và như định mệnh, bức vẽ cuối cùng của ông Charb đăng trên số ngày diễn ra vụ tấn công 7/1 có lời khẳng định: “Không bao giờ có chuyện tấn công khủng bố ở Pháp”.

Nhưng dù họ có là ai, có bị ghét đến đâu, thì vụ xả súng ngày 7/1 không còn là câu chuyện của riêng họ hay của một tòa soạn báo. Nhiều người Pháp đã xuống đường tự nhận tên mình là Charlie bởi không thể chấp nhận chuyện giữa thủ đô của nền cộng hòa Pháp, có những con người bị giết vì cây bút và những bức tranh. Những làn đạn của bọn khủng bố nhằm thẳng vào các giá trị cơ bản của nền Cộng hòa Pháp “Tự do- Bình đẳng- Bác ái”. Và vì thế, người Pháp – dù là ai, làm nghề gì- cũng tự thấy mình phải xuống đường bày tỏ sự tức giận trước những giá trị về mặt tư tưởng bị bọn khủng bố chà đạp.

Trực tiếp có mặt tại quảng trường Cộng hòa với khoảng 20.000 người Pháp, phóng viên VOV đã tập hợp ý kiến của nhiều người Pháp xuống đường tối 7/1:

“Đây là một cú sốc. Không chỉ bởi những nhà báo bị giết hại, mà cả các giá trị của nền Cộng hòa bị chà đạp và đe dọa. Tôi thực sự bị choáng và không thể hiểu nổi những hành động ngu ngốc đó”.

Một người dân Pháp trả lời phỏng vấn phóng viên VOV

“Là mẹ của hai đứa trẻ, tôi không muốn khi con mình lớn lên, cầm bút vẽ những bức biếm họa mà lại bị đe dọa đến mạng sống. Nghề báo ngày càng trở nên bị đe dọa nhưng chuyên có những nhà báo bị giết hại chỉ vì cây bút và những bức vẽ của họ là không thể hiểu nổi. Là một công dân Pháp, tôi không chấp nhận một vụ việc điên rồ và tàn bạo như thế diễn ra ngay giữa nền dân chủ của nước Pháp”.

“Tôi đến đây để bảo vệ tự do báo chí, tự do ngôn luận. đó là một giá trị của nền Cộng hòa Pháp. Tôi chỉ là một công dân bình thường sống cách đây không xa, nhưng tôi thấy mình phải bày tỏ nỗi buồn và sự tức giận của mình. Tôi muốn cùng những người khác thể hiện rằng người Pháp rất bình tĩnh nhưng cũng rất quyết liệt”.

“Tất cả các lực lượng phải vào cuộc để chống lại bọn khủng bố cực đoan. Nhưng tôi cũng muốn nói rằng cần tránh làm ảnh hưởng đến một số nhóm cộng đồng nào đó, đánh đồng họ với khủng bố. Tôi xuống đường cũng để nói rằng cần tránh làm bùng nổ sự phân biệt, kỳ thị sau vụ khủng bố này”.

“Chúng ta đã giết chết Charlie Hebdo”, bọn khủng bố đã hét lên sau khi xả súng. Số phận của tờ báo nghèo với những thành viên nòng cốt cả về thực lực lẫn tinh thần vừa bị sát hại chưa biết sẽ đi về đâu. Nhưng rất nhiều người Pháp đã cùng nhau đứng tên, để tái sinh “Charlie”- cái tên nay đã thành biểu tượng./.