Theo ghi nhận của phóng viên VOV, từ 11h30 trưa nay, đám đông bắt đầu đổ về khu vực trung tâm của thủ đô Jakarta. Hàng ngàn công nhân từ các Liên đoàn lao động, liên đoàn công nhân, liên đoàn các tổ chức công đoàn Indonesia đổ về khu vực gần Phủ Tổng thống, trên tay cầm các biểu ngữ yêu cầu về lương tối thiểu cho công nhân và đạo luật tạo việc làm bị thu hồi.
Một số nhóm biểu tình đốt pháo sáng, có hành vi bạo lực, phá hoại các cở sở công cộng. Hơn 2.600 nhân viên an ninh đã được huy động để đảm bảo an ninh khu vực trung tâm Thủ đô trước các cuộc biểu tình với số lượng ước tính lên đến 6.000 người.
Các cuộc biểu tình tương tự diễn ra tại nhiều tỉnh thành trên toàn Indonesia như thành phố Suarabaya, Cirebon, các tỉnh Tây Java và Trung Java. Chủ tịch Liên đoàn các Công đoàn Indonesia (KSPI) Iqbal cho biết biểu tình của người lao động được thực hiện vì họ phản đối mạnh mẽ mức tăng lương tối thiểu năm 2022 chỉ ở mức trung bình 1,09% dựa trên Luật tạo việc làm mới, trong khi người lao động yêu cầu mức tăng tối thiểu là 7-10%.
Các cuộc biểu tình diễn ra cùng lúc Tòa Hiến pháp Indonesia ra quyết định về vụ kiện liên quan đến Luật số 11 về tạo việc làm do Liên đoàn Công đoàn Indonesia khởi kiện. Theo đó, tòa cho rằng luật này là vi hiến và yêu cầu Hạ viện và Chính phủ Indonesia sửa đổi đạo luật trong vòng 2 năm.
Trong thời gian này, Chính phủ và Hạ viện phải sửa đạo luật để không vi phạm Hiến pháp năm 1945 và phải có sự tham gia của công chúng bao gồm người lao động. Chủ tịch Liên đoàn các Công đoàn Indonesia (KSPI) Iqbal cho biết, các công nhân đánh giá cao quyết định của Tòa án Hiến pháp và hy vọng công lý sẽ được duy trì cho người lao động.
Năm ngoái, bất chấp các cuộc biểu tình tương tự, Luật số 11 năm 2020 về Tạo việc làm vẫn được Tổng thống Indonesia ký và có hiệu lực kể từ tháng 11/2020. Mặc dù Chính phủ Indonesia cho rằng Luật này sẽ tạo điều kiện cấp phép và cung cấp nhiều cơ hội việc làm hơn cho người dân như chính tên gọi của nó. Song việc Chính phủ và Quốc hội phê chuẩn Luật tạo việc làm trong khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến hàng triệu người thất nghiệp tại Indonesia, đã gây ra bất bình trong công chúng.
Tầng lớp công nhân, sinh viên và các nhà môi trường cho rằng luật mới chỉ có lợi cho các nhà đầu tư, trong khi lại có nhiều điều khoản gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động và hủy hoại môi trường.
Các cuộc biểu tình của người lao động xảy ra đồng thời với cuộc biểu tình của Tổ chức thành niên Pancasila trước tòa nhà Hạ viện để phản đối tuyên bố của Phó Chủ tịch Ủy ban II Hạ viện Indonesia về việc giải tán tổ chức này. Cuộc biểu tình đã gây ra bạo loạn khi cảnh sát bị tấn công bằng các vũ khí sắc nhọn./.