Theo số liệu từ Lực lượng Đặc nhiệm Xử lý Covid-19 Indonesia, trong 2,5 tháng qua, số ca mắc Covid-19 hàng ngày ở Indonesia đã giảm từ khoảng từ 56.000 ca vào giữa tháng 7 xuống còn khoảng 300 trường hợp. Trong 24 giờ qua, Indonesia chỉ ghi nhận thêm 130 ca mắc mới, trong đó gần một nửa là các ca nhập cảnh.

Người phát ngôn Lực lượng Đặc nhiệm Xử lý Covid-19 Indonesia Wiku Adisasmito cho biết nếu xu hướng dịch Covid-19 ở Indonesia tiếp tục như hiện nay, đặc biệt qua kỳ nghỉ lễ cuối năm, tình trạng đại dịch ở Indonesia có thể chấm dứt.  

Indonesia đang rất cẩn trọng và bắt đầu xây dựng kế hoạch hướng tới một giai đoạn phát triển được kiểm soát nhiều hơn, cụ thể là chuyển đổi sang căn bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, Ông Wiku Adisasmito nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi sang dịch bệnh đặc hữu có thể bị cản trở bất cứ lúc nào nếu số ca tăng đột biến trở lại.

Ngoài việc phối hợp các thành phần trong xã hội, Lực lượng Đặc nhiệm Xử lý Covid-19 Indonesia đưa ra 4 nỗ lực cần thực hiện để hướng tới căn bệnh đặc hữu.

Thứ nhất, việc xác định các chỉ số đặc hữu trên quy mô rộng hoặc vùng bao phủ được thực hiện bởi chính phủ và có tham khảo ý kiến ​​của các chuyên gia. Thứ hai, giám sát chặt chẽ các ca bệnh thông qua giải trình tự gen. Thứ ba, tiếp tục giảm số ca bệnh nặng và tử vong, đồng thời nỗ lực đạt tỷ lệ chữa khỏi cao thông qua tiêm chủng; điều trị, xử lý ca bệnh có chất lượng. Thứ tư, giữ cho tốc độ lây truyền ở mức thấp và được kiểm soát thông qua các nỗ lực xét nghiệm và truy vết, điều chỉnh các hoạt động và tính di chuyển của cộng đồng an toàn và hiệu quả.

Người phát ngôn Lực lượng Đặc nhiệm Xử lý Covid-19 Indonesia hy vọng, dịp Giáng sinh và năm mới sắp tới sẽ là khoảnh khắc minh chứng cho thế giới thấy Indonesia có thể lường trước được sự gia tăng các ca mắc Covid-19 dù đang bước vào kỳ nghỉ lễ dài ngày. Lực lượng này cũng yêu cầu người dân Indonesia nghiêm túc tuân thủ các quy định của chính phủ về các giao thức y tế, “đồng cảm với các quốc gia khác vì đại dịch Covid-19 sẽ chỉ kết thúc khi tất cả các quốc gia đều có thể kiểm soát các ca bệnh, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu”.

Ông Wiku Adisasmino cũng chia sẻ, "giai đoạn đại dịch Covid-19 gia tăng đã dạy cho Indonesia nhiều bài học, đặc biệt là về tầm quan trọng của việc ngăn chặn sự gia tăng đột biến các trường hợp tái phát trong tương lai".

Hiện nay, Chính phủ Indonesia đang nỗ lực tăng cường miễn dịch cộng đồng và giảm thiểu rủi ro cho những người bị phơi nhiễm thông qua việc đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19. Quốc gia có dân số đông thứ 4 thế giới này hiện đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 89 triệu dân, tương đương 42,83% mục tiêu tiêm chủng cho hơn 201 triệu dân./.