Ngày 6/1, Thủ tướng Bangladesh, Sheikh Hasina tuyên bố cuộc tổng tuyển cử ngày 5/1 hoàn toàn hợp pháp bất chấp tình trạng bạo lực và việc đảng đối lập chính Dân tộc chủ nghĩa Bangladesh (BNP) tẩy chay cuộc bầu cử này.

Trong khi đó, đụng độ và bạo lực vẫn tiếp diễn ở các vùng xa xôi hẻo lánh của Bangdadesh sau cuộc tổng tuyển cử vừa qua, cho thấy những bất ổn chính trị ở quốc gia Nam Á này còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới.

 Ít nhất 7 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ ngày 6/1 vì những tranh cãi hậu bầu cử ở Bangladesh. Trước đó 18 người đã thiệt mạng vì bạo lực bất ổn ngay trong ngày bỏ phiếu, buộc Ủy ban bầu cử Bangladesh phải đóng cửa hơn 100 điểm bỏ phiếu. 

lanhdaobangladesh.jpg
Bà Khaleda Zia (áo tím) và bà Sheikh Hasina (áo cam) (Ảnh: thedailystar)

Nhiều lãnh đạo của đảng Dân tộc chủ nghĩa Bangladesh được cho là đang bị giam giữ hoặc phải lẩn trốn, trong đó có bà Khaleda Zia đang bị giam lỏng tại nhà. Tuy nhiên Thủ tướng Hasina bác bỏ thông tin này, dẫn chứng rằng, nhiều đại sứ các nước Mỹ và Liên minh châu Âu cùng các nhà báo vẫn tiếp xúc với bà Khaleda Zia trong những ngày qua.

Thủ tướng Hasina cũng bác bỏ tin đồn về việc áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp đồng thời tuyên bố sẵn sàng đối thoại với phe đối lập nếu họ chấm dứt “những hành động khủng bố” như tấn công cảnh sát và dân thường vô tội.

Thủ tướng Bangladesh không loại trừ khả năng bầu cử lại song điều kiện tiên quyết là phe đối lập phải chấm dứt biểu tình, đình công và bạo lực ngay lập tức.

Bà Hasina nói: “Tôi sẽ cố gắng hết sức mình. Như tôi đã nói, tôi đề nghị chia sẻ quyền lực với phe đối lập, chia sẻ những vị trí trong các bộ. Tôi đã làm tất cả những gì có thể nhưng họ không phản hồi lại thiện chí đó. Nếu họ nhận ra sai lầm của việc không tham gia bầu cử thì họ mới có thể tiến lên phía trước”.

Đảng Dân tộc chủ nghĩa tẩy chay cuộc tổng tuyển cử vừa qua để phản đối việc Thủ tướng Hasina 2 năm trước đã bỏ cơ chế thành lập chính phủ lâm thời để giám sát các cuộc bầu cử. Tuy nhiên, đảng Liên minh nhân dân cầm quyền bảo vệ quyết định này với quan điểm cho rằng, cơ chế thành lập chính phủ lâm thời để giám sát bầu cử hoạt động không hiệu quả.

Với sự vắng mặt của đảng đối lập chính, Liên minh nhân dân chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử lần này với hơn 2 phần 3 số Đại biểu Quốc hội được bầu lại. Tuy nhiên, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ đạt 20% đến 30%, ít hơn rất nhiều so với tỷ lệ bỏ phiếu 83% của lần bầu cử năm 2008. Cuộc bầu cử năm 1996 tại Bangladesh cũng chứng kiến tỷ lệ đi bỏ phiếu thấp kỷ lục 21% nhưng khi đó chính đảng Liên minh nhân dân mới là bên tẩy chay bầu cử.

Tổ chức minh bạch quốc tế Bangladesh (TIB) còn lo ngại tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp có thể làm suy giảm tính hợp pháp của cuộc bầu cử và quyền lực cũng như sức ảnh hưởng của chính phủ mới, đồng thời khoét sâu thêm những mâu thuẫn chính trị hơn 2 thập kỷ qua tại quốc gia Nam Á này.

Giám đốc điều hành Tổ chức minh bạch quốc tế Bangladesh, Iftekhar Zaman nhận định, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp trong cuộc bầu cử vừa qua có thể khiến Thủ tướng Hasina buộc phải thỏa hiệp với đảng Dân tộc chủ nghĩa Bangladesh đối lập để tổ chức một cuộc bầu cử mới.

Ông Zaman cho biết: "Nếu chúng ta nhìn vào những bế tắc hiện nay thì việc tổ chức một cuộc bầu cử cũng không giải quyết được vấn đề này. Bế tắc ở chỗ, kể cả khi chính phủ và quốc hội mới được thành lập thì phe đối lập vẫn tiếp tục yêu cầu chính phủ từ chức. Vận mệnh của nền dân chủ này và của người dân đang bị 2 nhà lãnh đạo giữ làm “con tin”. Mặc dù vậy tôi tin họ sẽ nhận ra rằng họ cần phải hợp tác không chỉ vì mục tiêu chung mà còn vì mối đe dọa chung, rằng điều đang xảy ra không mang lại lợi ích cho người dân".

Tình trạng phân cực rõ rệt không phải là vấn đề mới của chính trường Bangladesh bởi Thủ tướng Hasina và lãnh đạo đảng đối lập Khaleda Zia đã đối đầu suốt 22 năm qua và thay nhau giữ vị trí người đứng đầu chính phủ. Tuy nhiên, trước nguy cơ bạo lực có thể làm ngành công nghiệp dệt may chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu của nước này gặp nhiều khó khăn sau một năm vốn đã nhiều bê bối mất an toàn lao động. 2 người phụ nữ quyền lực này cần phải tiến tới đối thoại chính trị để tránh cho Bangladesh rơi vào cảnh “nồi da nấu thịt”./.