Ngày 16/10, báo chí Thái Lan đồng loạt đưa tin, tối 15/10, ngay sau khi tới Italy để tham dự cuộc gặp cấp cao Á-Âu (ASEM), Thủ tướng lâm thời Thái Lan Prayuth Chan-ocha có cuộc gặp đại sứ Thái Lan và doanh nghiệp Thái Lan tại các nước châu Âu. Khẳng định trong cuộc gặp, Thủ tướng Prayuth cam kết sẽ không tiếp tục tại vị như lộ trình đã đưa ra.

thailand_npoq_vhoz.jpgThủ tướng lâm thời Thái Lan Prayuth Chan-ocha (Ảnh AP)

Ông Prayuth cho rằng, lộ trình cải cách 1 năm đã đề ra nếu không thể hoàn thành được, chính phủ mới tại Thái Lan sẽ phải tiếp tục thực hiện để Thái Lan tiến lên phía trước.

Tuyên bố với các nhà ngoại giao và doanh nghiệp Thái tại châu Âu, Thủ tướng Thái Lan Prayuth thông báo Thái Lan sẽ tiếp tục áp dụng luật pháp đặc biệt để điều hành và đảm bảo tình hình an ninh và lộ trình cải cách. Với tuyên bố này của Thủ tướng Prayuth, nhiều khả năng thiết quân luật đang có hiệu lực tại Thái Lan từ hôm 20/5 đến nay chưa sớm được dỡ bỏ.

Lộ trình cải cách toàn diện Thái Lan với 3 giai đoạn được đưa ra sau cuộc đảo chính ngày 22/5 có mục tiêu cuối năm 2015 sẽ có cuộc tổng tuyển cử. Tuy nhiên, đã có một số ý kiến cho rằng, rất khó để có thể có một bản Hiến pháp mới vào trước cuối năm 2015.

Hiến pháp hiện hành của Thái Lan là bản hiến pháp tạm thời, được lập ra sau cuộc đảo chính quân sự do ông Prayuth lãnh đạo hôm 22/5/2014./.