Đây là bước đi cụ thể hóa đầu tiên thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được hôm 14/7 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức).

iaea_roid.jpg
Lá cờ của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) bay trước trụ sở của tổ chức này tại Vienna, Áo. Ảnh Reuters 

Ngày 18/10, được đánh giá là “ngày thông qua”, đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn 90 ngày kể từ khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu thông qua thỏa thuận hạt nhân Iran.

Theo đúng lộ trình, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã yêu cầu chính phủ sẵn sàng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt chống Iran kể từ những năm 2000 và đang ngăn cản các công ty nước ngoài mua dầu mỏ của Iran hay thực hiện giao dịch với các ngân hàng nước này. Chỉ vài giờ sau đó, EU cũng thông báo đã thông qua khuôn khổ pháp lý cho việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố,  ngày 18/10 đánh dấu một bước quan trọng trong nỗ lực quốc tế ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và đảm bảo rằng, từ nay chương trình hạt nhân của nước này hoàn toàn là vì mục đích hòa bình.

Trong khi đó phát biểu khi đang ở thăm Tehran, Ngoại trưởng Đức Frank- Walter Steinmeier cho rằng, vấn đề còn lại hiện nay là Iran sẽ thực hiện các nghĩa vụ của mình như thế nào.

Theo một quan chức cấp cao Mỹ, những thông báo ngày 18/10 là minh chứng cho quyết tâm của các nước phương Tây thực thi các cam kết của mình. Thời điểm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sẽ phụ thuộc vào tốc độ đỡ bỏ các cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran trong vòng chưa đầy 2 tháng tới.

Song hơn ai hết, người Iran muốn đẩy nhanh tiến trình này để có thể thu hồi được hàng chục tỷ USD bị đóng băng tại các ngân hàng nước ngoài và tạo đà cho nền kinh tế sau nhiều năm chịu lệnh trừng phạt.

Giáo sư quan hệ quốc tế Mohmmad Hasan Khani thuộc Đại học IImam Sadegh của Iran nói: “Tôi cảm thấy mọi thứ sẽ tốt hơn. Giờ là lúc chúng ta có thể cảm nhận được những thành quả của tiến trình đàm phán. Điều này được hiểu là đàm phán đã mang lại kết quả, ngoại giao đã phát huy tác dụng. Đây là tin tức không chỉ tốt đối với Iran, mà còn đối với khu vực và các bên liên quan, tức là nhóm P5+1”.

Chính vì thế, cùng thời điểm với những tuyên bố của Mỹ và phương Tây, Iran cũng thông báo sẵn sàng khởi động tiến trình tháo dỡ một phần lớn cơ sở hạt nhân của nước này. Tiến trình này dự kiến sẽ kéo dài ít nhất 2 tháng và sau đó các lệnh trừng phạt có thể sẽ được dỡ bỏ.

Có thể thấy, kể từ sau thỏa thuận đạt được hôm 14/7 tại Vienna, Áo, cả Iran và phương Tây đều đang cho thấy quyết tâm thực thi đầy đủ các nghĩa vụ và cam kết của mình.

Tổng thống Mỹ Obama đã thành công trong việc ngăn Quốc hội Mỹ do Đảng Cộng hòa chiếm đa số phá hoại thỏa thuận. Quốc hội Iran và sau đó là Hội đồng Tư pháp và Tôn giáo hồi tuần trước cũng đã lần lượt thông qua văn kiện, bất chấp sự phản đối của các lực lượng bảo thủ./.