Trong nỗ lực trấn an các nước đồng minh về chiến dịch quân sự đang diễn ra tại miền Bắc Syria, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 3/2 khẳng định, mục tiêu duy nhất của nước này là truy quét các phần tử khủng bố và không hề có ý định xâm chiếm lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào khác.
Tuy nhiên, lời biện minh của người đứng đầu Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ là chưa đủ thuyết phục khi quân đội nước này vẫn tiếp tục mở rộng các chiến dịch quân sự tại quốc gia láng giềng.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh tại Syria hôm 20/1 đã phát động chiến dịch quân sự mang tên “Nhành ô-liu” nhằm truy quét nhóm nổi dậy mang tên Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd. Đây là một lực lượng mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho là một nhánh tại Syria của đảng Lao động người Kurd, một tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh phương Tây xếp vào danh sách khủng bố.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Le Figaro, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi giữa tuần cảnh báo mọi ý định “xâm chiếm” Syria, điều khiến các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ không hài lòng.
Đối với các nước phương Tây, Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd không phải là một nhóm khủng bố, mà ngược lại là một lực lượng quan trọng trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại khu vực.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 3/2 đã có cuộc thảo luận qua điện thoại với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong đó khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ không bao giờ có ý định “nhòm ngó” lãnh thổ của một quốc gia khác. Chiến dịch đang diễn ra đơn giản chỉ là nhằm quét sạch những phần tử khủng bố như Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd ra khỏi khu vực Afrin, miền Bắc Syria.
Trong nỗ lực nhằm khôi phục các mối quan hệ với châu Âu, vốn đã bị xấu đi nghiêm trọng sau âm mưu đảo chính bất thành hồi giữa năm 2016 cũng như sau những bế tắc trong tiến trình xin gia nhập Liên minh châu Âu, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đang tìm cách xây dựng một mối quan hệ mạnh mẽ hơn với người đứng đầu nước Pháp.
Đây cũng chính là lý do ông chọn Pháp làm điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của năm 2018 hồi tháng 1 vừa qua để thảo luận về các mối quan hệ song phương.
Tấn công Syria –Thổ Nhĩ Kỳ đang chơi canh bạc đầy mạo hiểm
Tuy nhiên, tất cả những điều này dường như là chưa đủ để thuyết phục các nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), dù thừa nhận “những lo ngại an ninh chính đáng của Thổ Nhĩ Kỳ”. Bởi trước đó, hôm 2/2, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu dường như cho thấy nước này “bỏ ngoài tai” lời kêu gọi của Tổng thống Pháp khi khẳng định, nếu nhìn lại lịch sử, thì Pháp và các nước khác “không có đủ tư cách để dạy Thổ Nhĩ Kỳ làm gì”.
“Nếu Pháp nghĩ chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ là cuộc xâm chiếm thì chúng ta cần phải đánh giá lại những gì họ làm tại Syria. Bởi đây là một ý tưởng sai lầm ngay từ đầu và cả thế giới đều biết điều này. Thổ Nhĩ Kỳ không hành động với mục đích xâm chiếm lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào khác, mà là chấm dứt sự tàn ác của các nhóm khủng bố đối với người Arab, người Kurd,... đang sinh sống hòa bình ở đó”, Tổng thống Erdogan nói.
Trước đó, hồi cuối tháng 1 vừa qua, Pháp đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn để đánh giá toàn bộ nguy cơ khủng hoảng nhân đạo trong bối cảnh giao tranh gia tăng ở Syria. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Đức thông báo ngừng kế hoạch nâng cấp xe tăng cho nước này.
Còn Chính phủ Mỹ thì cảnh báo, hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin đang giúp IS hồi sinh và là cơ hội để mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda lợi dụng để phát triển trở lại. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng tuyên bố, đang giám sát chặt chẽ việc cung cấp vũ khí cho Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd và sẽ tiếp tục thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ.
Giới phân tích nhận định, tình hình tại Syria có nguy cơ diễn biến phức tạp hơn sau chiến dịch “Nhành Ô liu”. Tuy nhiên, về một mặt nào đó, chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ cũng buộc các nước liên quan phải đánh giá lại chiến lược chống khủng bố, cũng như cách tiếp cận trong vấn đề Syria hiện nay.
Bởi thực tế là chiến dịch Nhành Ô liu của Thổ Nhĩ Kỳ chẳng khác gì một cuộc tấn công vào các lực lượng liên minh với Mỹ, nói cách khác là một cuộc tấn công vào Mỹ.
Đây chính là hệ quả của việc xung đột lợi ích giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ vì mục đích của “Nhành Ô liu” là khuấy động cách Mỹ kết thúc cuộc nội chiến Syria. Và có lẽ câu chuyện Thổ Nhĩ Kỳ là bài học rõ nhất buộc các nước liên quan, đặc biệt là Mỹ và các đồng minh phải xem xét lại cách tiếp cận của mình trong vấn đề Syria./.
Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ chiến dịch tại Syria trước cảnh báo của Pháp