Ông Tanju Bilgic, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, trong một tuyên bố khẳng định: Các tuyên bố về khu vực tài phán trên biển và không phận quốc gia của Hy Lạp là trái với luật pháp quốc tế. Hy Lạp vẫn theo đuổi “giấc mơ viển vông” khi cho rằng họ có thể áp đặt lên Thổ Nhĩ Kỳ những yêu sách vốn đang bị cộng đồng quốc tế nghi ngờ, thông qua việc thành lập các liên minh quân sự song phương chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, làm suy yếu liên minh NATO.
Cũng theo vị quan chức này, chính sách trang bị vũ khí của Hy Lạp cũng như cô lập và xa lánh Thổ Nhĩ Kỳ, thay vì hợp tác, là một chính sách “có vấn đề”, sẽ đe dọa tới hòa bình và ổn định của khu vực, không chỉ làm suy yếu chính Hy Lạp mà còn cả EU.
Hy Lạp và Pháp đầu tuần này đã ký một thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược quốc phòng và an ninh trị giá gần 3 tỷ euro (khoảng 3,5 tỷ USD), bao gồm cả việc Hy Lạp mua ba tàu khu trục nhỏ của Pháp. Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Nikolaos Panagiotopoulos vừa khẳng định trước giới truyền thông nước này rằng theo thỏa thuận vừa ký kết thì "nước này sẽ giúp nước kia bằng các phương tiện quân sự nếu cần thiết", ám chỉ bao gồm cả quyền tài phán trên biển đối với "toàn bộ khu vực có chủ quyền" của Hy Lạp.
Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp leo thang trong năm 2020 do các cuộc khảo sát địa chấn do các tàu Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện trong vùng biển tranh chấp, cũng như các thỏa thuận phân định biên giới trên biển mà Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã đạt được với các nước Địa Trung Hải khác. Trong khi đó, hai nước láng giềng này từ lâu đã có hiềm khích về yêu sách lãnh thổ trên biển Aegean./.