1. Trên trang Facebook cá nhân của mình, tỉ phú Mark Zuckerberg đã viết: “Sáng nay thức dậy, tôi cảm thấy thật khủng khiếp khi biết tin về vụ xả súng ở Orlando, tâm trí và những lời cầu nguyện xin hướng về các nạn nhân, gia đình và cộng đồng những người đồng tính. Chúng tôi đã khởi động tính năng kiểm tra an toàn, nhưng điều quan trọng nhất bây giờ là hiến máu cho những nạn nhân cần đến trong những ngày tới”.
Tỉ phú Mark Zuckerberg, CEO Facebook. (ảnh: Getty). |
Tính năng kiểm tra an toàn (Safety Check) cho phép người sử dụng thông báo cho bạn bè, người thân trên Facebook về việc bản thân đã trong trạng thái an toàn, cho dù họ vẫn đang trong khu vực bị ảnh hưởng. Facebook cũng đã từng bật tính năng này khi xảy ra vụkhủng bốở Paris vào tháng 11/2015.
Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Obama cũng có bài phát biểu trực tiếp lên án vụ thảm sát và gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân.
Hiện trường vụ xả súng đẫm máu ở Orlando, Mỹ
Vụ xả súng vào rạng sáng 12/6 đã cướp đi sinh mạng của 50 người và làm bị thương 53 người khác. Đây được xem là vụxả súng đẫm máunhất trong lịch sử nước Mỹ.
Thủ phạm của vụ xả súng được xác định là Omar Mateen, 29 tuổi, là công dân Mỹ gốc Afghanstan, sinh ra tại New York và sống tại Florida. Tên này đã bị bắn chết trong một cuộc đấu súng với cảnh sát. Thủ phạm đã gọi vào số điện thoại khẩn cấp 911 của cảnh sát Mỹ thề trung thành với IS và đề cập tới những kẻ đánh bom khủng bố tại Boston.
Thảm sát Orlando: Chân dung kẻ gây ra vụ xả súng kinh hoàng nhất ở Mỹ
2. Tờ Washington Post dẫn nguồn tin từ nhà chức trách địa phương cho biết, một người đàn ông đến từ Indiana mang theo 3 khẩu súng trường tấn công và hóa chất để chế tạo chất nổ đã bị bắt ở Nam California ngày 12/6.
Đối tượng bị bắt khai nhận muốn “gây tổn hại” lễ diễu hành của người đồng tính tổ chức tại thành phố Los Angeles, sự kiện được tổ chức thường niên với sự tham gia của hàng trăm nghìn người.
Cảnh sát kiểm tra chiếc xe của đối tượng James Wesley Howell. (Ảnh: AFP) |
Vụ bắt giữ nghi phạm James Wesley Howell, 20 tuổi được thực hiện ở Santa Monica chỉ vài giờ sau khi có ít nhất 50 người thiệt mạng trong vụ xả súng ở một hộp đêm đồng tính ở Orlando Florida. Hiện các cơ quan chức năng của Mỹ cho biết, vẫn chưa tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy có mối liện hệ giữa hai vụ việc.
Theo nguồn tin cảnh sát địa phương, người dân đã gọi điện cho cảnh sát để thông báo về hành động đáng ngờ của Howell.
3. Quân đội Iraq hôm 12/6 cho biết, họ sẽ tiến vào trung tâm thành trì Fallujah của IS trong vòng 2 đến 3 ngày tới, để giải phóng hoàn toàn Fallujah.
Binh sĩ Iraq tiến vào thành phố chiến lược Fallujah. Ảnh AP. |
Phát biểu tại cuộc họp báo, Tướng Saad Maan, người phát ngôn Bộ chỉ huy hoạt động quân đội Iraq nói: “Chúng tôi hiện đã giành quyền kiểm soát khu vực phía Tây Bắc, Đông Bắc, phía Nam Fallujah. Hiện chúng tôi đang tiếp cận Fallujah từ mọi hướng”.
“Hoạt động tấn công tại trung tâm Fallujah sẽ diễn ra trong vòng 2–3 ngày tới, sau khi lực lượng an ninh và lực lượng dân quân vũ trang hoàn tất giải phóng các khu vực xung quanh thành phố”, Tướng Saad Maan cho biết thêm.
Từ ngày 22/5, quân đội Iraq cùng với các lực lượng đồng minh đã phát động chiến dịch giành lại Fallujah, với sự hỗ trợ của máy bay Mỹ. Fallujah nằm cách Thủ đô Baghdad (Iraq) khoảng 64km về phía Tây, là một trong những thành trì lớn nhất của nhóm Nhà nước Hồi giáo ở tỉnh Anbar. Fallujah cũng là thành phố đầu tiên của Iraq rơi vào tay nhóm Nhà nước Hồi giáo. Iraq dựng hành lang an toàn để 4.000 người dân sơ tán khỏi Fallujah
4. Theo thông báo mới nhất từ cơ quan cảnh sát thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), vụ nổ xảy ra vào chiều 12/6 tại nhà ga T2, sân bay quốc tế Phố Đông, Thượng Hải đã làm 5 người bị thương.
Theo điều tra ban đầu của cảnh sát Thượng Hải, nghi phạm được xác định là một nam giới đã ném về phía quầy làm thủ tục lên máy bay một quả bom tự chế đựng trong vỏ chai bia được nghi phạm cất giấu trong balô.
Cảnh sát cho phong tỏa và kiểm soát khu vực xảy ra vụ việc. (ảnh: Reuters). |
Sau khi trái bom phát nổ, nghi phạm đã có ý định tự sát khi tự cứa cổ bằng dao găm.
Hiện cơ quan chức năng Trung Quốc đang tích cực chữa trị và điều tra làm rõ động cơ gây án của nghi phạm.
Ngay sau khi vụ nổ xảy ra, an ninh tại sân bay Thượng Hải cũng như các sân bay khác trong cả nước Trung Quốc đã được tăng cường ở mức cao nhất.
Vụ nổ cũng gây tâm lý hoang mang, lo ngại cho hành khách và người dân Trung Quốc khi lưu thông tại những nơi công cộng, tập trung đông người. An ninh sân bay Thượng Hải “căng như dây đàn” sau vụ nổ lớn
5. Myanmar ngày 13/6 thông báo về bước đột phá trong việc xem xét lại nghị định khung cho đối thoại giữa chính phủ và các nhóm vũ trang tại nước này. Thông báo được đưa ra sau 4 ngày họp của Ủy ban trù bị tổ chức "Hội nghị Panglong thế kỉ 21", nhằm giải quyết vấn đề xung đột sắc tộc tại Myanmar.
Theo Ủy ban, tham dự "Hội nghị Panglong thế kỉ 21" có 8 nhóm vũ trang từng từ chối ký vào Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc (NCA) dưới thời chính phủ của cựu Tổng thống Thein Sein.
Bà Aung San Suu Kyi, trong vai trò cố vấn nhà nước, phát biểu tại cuộc họp chuẩn bị cho "Hội nghị Panglong thế kỉ 21". (ảnh: Myanmar Counsellor Office Facebook). |
Chương trình của hội nghị tập trung vào các biện pháp xây dựng đối thoại chính trị toàn quốc, với sự tham gia ý kiến của các nhóm chưa ký Thỏa thuận ngừng bắn.
Chính phủ của cựu Tổng thống Thein Sein và 8 trong số 15 nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số tại Myanmar đã ký Thỏa thuận Ngừng bắn toàn quốc vào ngày 15/10/2015.
Ủy ban Giám sát Ngừng bắn chung (JCMC) sau đó được thành lập, nhằm soạn thảo khuôn khổ tổ chức đối thoại chính trị.
Hội nghị hòa bình toàn quốc dự kiến diễn ra vào cuối tháng 7 hoặc tháng 8 tới, theo đề xuất của Ngoại trưởng Myanmar Aung San Suu Kyi, với hy vọng có thể giải quyết triệt để vấn đề xung đột sắc tộc tại quốc gia này.
6. Hãng thông tấn Yonhap ngày 13/6 dẫn nguồn tin từ Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (JCS) nước này cho biết, toàn bộ tàu cá Trung Quốc đã rút khỏi vùng biển trung lập giữa Hàn Quốc và Triều Tiên tại khu vực cửa sông Hàn, sau khi các lực lượng của quân đội Hàn Quốc và Bộ Chỉ huy Liên Hợp Quốc (UNC) bắt đầu đợt truy quét chung hôm 10/6.
Hoạt động trấn áp của Hàn Quốc vẫn tiếp tục được duy trì để đề phòng khả năng các tàu thuyền Trung Quốc có thể trở lại vùng biển trung lập liên Triều. (Ảnh: Yonhap). |
Sau khi Hàn Quốc bắt đầu tiến hành hoạt động này, khoảng 10 tàu Trung Quốc có mặt trong khu vực tại thời điểm đó đã rút về phía vùng biển do Triều Tiên kiểm soát và ở lại đó.
“Tính đến cuối buổi chiều 13/6, tất cả các tàu đánh cá Trung Quốc đã rút khỏi khu vực này”, thông cáo báo chí của JCS cho biết.
JCS cũng nêu rõ, hoạt động trấn áp vẫn tiếp tục được duy trì để đề phòng khả năng các tàu thuyền Trung Quốc có thể trở lại vùng biển trung lập liên Triều.
Đợt truy quét này là hoạt động chung đầu tiên giữa Hàn Quốc và UNC tại vùng biển trung lập giữa hai miền Triều Tiên kể từ khi khu vực này được xác định là vùng giới tuyến trong thỏa thuận ngừng bắn chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953)./.