1. Theo đó, bà Clinton khẳng định rằng, bức thư từ ông Comey thông báo với Quốc hội Mỹ về việc sẽmở lại cuộc điều tra vụ bê bối sử dụng email cá nhânvào việc công “là bước ngoặt” khiến bà từ thế áp đảo ông Trump thành bị ông Trump đánh bại.

clinton_jwwf.jpg
Bà Hillary Clinton. Ảnh: Reuters

Bà Clinton nhấn mạnh, quyết định này của ông Comey đã làm “xói mòn” sự ủng hộ của các cư tri tại các bang thuộc khu vực thượng Trung Tây nước Mỹ. Trong đó, đáng chú ý là việc cử tri bang Wisconsin - bang từ lâu luôn ủng hộ Đảng Dân chủ - đã quyết định quay sang ủng hộ ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump.

Cũng theo bà Clinton, ông Trump đã nhân dịp đó để liên tục công kích bà và giành được sự ủng hộ của nhiều cử tri vốn còn đang lưỡng lự chưa biết nên bầu cho ai.

Dù bức thư thứ 2 của ông Comey đã xác nhận rằng bà không làm gì sai, bà Clinton cho biết, những gì diễn ra trước đó là quá đủ để những người ủng hộ ông Trump có cớ để khẳng định rằng hệ thống bầu cử có gian lận nhằm mang lại lợi ích cho bà và tích cực vận động hết mình để ông Trump giành chiến thắng.

2.Tổng thống Park Geun-hye sẽ bị thẩm vấn trong khuôn khổ cuộc điều tra vụ bê bối chính trị đang làm tổn hại nghiêm trọng vị trí Tổng thống của bà.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Ảnh: AP

Thông tin này được Văn phòng công tố Hàn Quốc công bố ngày 13/11. Tuy nhiên Văn phòng công tố Hàn Quốc cho biết, họ vẫn chưa quyết định thời điểm chính xác sẽ diễn ra hoạt động thẩm vấn Tổng thống Park Geun-hye.

Với quyết định trên, bà Park Geun-hye sẽ trở thành vị Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc bị các công tố viên thẩm vấn trong thời gian còn đang tại nhiệm.

Cũng theo nguồn tin, Chủ tịch tập đoàn Hyundai Motor đã bị các công tố viên Hàn Quốc thẩm vấn trong ngày 12/11 nhằm xác định là liệu Tổng thống Park Geun-hye hay ai đó trong chính quyền của bà có liên quan đến việc gây ảnh hưởng tới ông chủ các tập đoàn lớn ở Hàn Quốc để buộc họ phải quyên góp tiền vào 2 quỹ phi lợi nhuận do người bạn thân của bà lập nên hay không.

3.  Ít nhất có 52 người thiệt mạng, hơn 100 người bị thương trong vụ nổ bom tại một đền thờ hẻo lánh ở tỉnh Balochistan ngày 12/11.

Vụ nổ xảy ra khi các tín đồ dòng Hồi giáo Sufi đang làm các nghi lễ tôn giáo tại ngôi đền cách thành phố Quetta 750km về hướng Nam. Do ngôi đền nằm ở vùng đồi núi hẻo lánh nên nhân viên y tế cùng xe cứu thương phải mất 3 giờ từ Karachi mới đến được hiện trường.

Một phụ nữ than khóc vì người thân thiệt mạng trong vụ đánh bom. Ảnh: AP

Quân đội Pakistan cho biết, ngoài 20 xe cứu thương và 50 binh sỹ đã đến hiện trường, 100 binh sỹ cùng hàng chục xe cứu thương cũng đang trên đường đến khu vực. Nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Nhiều thi thể nạn nhân và người bị thương đã được chuyển đến bệnh viện ở Karachi. Một trực thăng quân đội đã cố gắng sơ tán người bị thương trong đêm nhưng các nhóm nhân viên y tế không thể tiếp cận khu vực bằng máy bay do không có đường băng gần đó. Theo chính quyền địa phương có khoảng 600 người có mặt tại ngôi đền vào thời điểm xảy ra vụ tấn công.

4.Nhiều hoạt động tưởng niệm đã được tổ chức tại Paris để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố gây rúng động nước Pháp một năm trước.

Tổng thống Pháp Hollande tưởng nhớ các nạn nhân vụ khủng bố Paris. Ảnh: Reuters

Ngày 13/11 là tròn một năm kể từ khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng do những kẻ Hồi giáo cực đoan thực hiện gần như đồng thời ở 6 địa điểm công cộng tại thủ đô Paris và vùng ngoại ô nước Pháp. Trong đó đẫm máu nhất là vụ bắt cóc con tin tại nhà hát Bataclan, làm 130 người thiệt mạng và 350 người bị thương.

Nhà hát Bataclan tại Paris, nơi diễn ra vụ thảm sát đêm 13/11/2015 khiến 90 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương, tối 12/11 mở cửa với buổi trình diễn của ca sĩ nổi tiếng người Anh Sting. Tất cả những người trong nhà hát đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ những nạn nhân xấu số.

Ca sĩ nổi tiếng người Anh đã bắt đầu buổi biểu diễn với lời khẳng định “Chúng ta sẽ không quên họ”: “Tối nay chúng ta sẽ có hai nhiệm vụ chính: Trước tiên đó là để tưởng nhớ những người đã thiệt mạng trong vụ tấn công. Thứ hai là tận hưởng cuộc sống và âm nhạc tại nơi lịch sử này”.

Đêm 13/11 năm ngoái, 3 tên khủng bố đã dùng súng trường tự động nã đạn vào khán phòng của nhà hát Bataclan, nơi 1.500 khán giả đang thưởng thức buổi diễn của nhóm nhạc rock Mỹ Eagles of Death Metal, sau đó bắt giữ họ làm con tin.

Cuộc khủng hoảng kéo dài khoảng 2 giờ 40 phút, trước khi cảnh sát chống khủng bố đột kích và giải cứu các con tin. Vụ thảm sát tại nhà hát Bataclan cùng loạt vụ tấn công tại 5 địa điểm khác ở Paris và vùng ngoại ô tối cùng ngày do các phần tử Hồi giáo cực đoan tiến hành đã làm 130 người thiệt mạng và làm chấn động toàn thế giới.

Tham gia buổi hòa nhạc, Stacey, một khán giả người Canada cho rằng, những khán giả trong nhà hát đã được truyền lửa về niềm tin hướng đến hòa bình: “Ca sĩ Sting đã giúp chúng tôi nhớ về những người đã mất, nhưng cũng truyền niềm tin và sức mạnh trên con đường mà chúng ta đang thực hiện hướng đến hòa bình”.

5.Chính phủ Colombia và nhóm Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) ngày 12/11 đã công bố thỏa thuận hòa bình mới giữa hai bên.

Đại diện FARC (trái) bắt tay đại diện đoàn đàm phán của Chính phủ Colombia, cựu Phó Tổng thống Humberto de la Calle. Ảnh: BBC

Tuyên bố chung được Chính phủ Colombia và nhóm Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia công bố cho biết, hai bên đã đạt được thỏa thuận mới cuối cùng nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 52 năm qua ở nước này.

Thỏa thuận mới đã kết hợp được những thay đổi, làm rõ một số nội dung và đưa vào những đề xuất của các tổ chức xã hội. Tuyên bố không cho biết rõ chi tiết những thay đổi trong thỏa thuận này là gì.

Tuy nhiên, theo đại diện đoàn đàm phán của Chính phủ Colombia, cựu Phó Tổng thống Humberto de la Calle, thỏa thuận mới nhằm giải quyết những quan ngại vốn bị phản đối trong thỏa thuận ban đầu.

Dự kiến, thỏa thuận mới sẽ được trình lên Quốc hội Colombia phê chuẩn thay vì đưa ra trưng cầu ý dân như thỏa thuận trước đó./.