1. Việc ông Trump lựa chọn Stephen Bannon - người phụ trách chiến dịch truyền thông trong quá trình tranh cử làm người đứng đầu bộ phận chiến lược và cố vấn cấp cao sau khi chính thức nắm quyền lại đang vấp phải phản đối mạnh mẽ từ đảng Dân chủ. 

2522_vbbh.jpg
Ông Donald Trump và ông Stephen Bannon. (ảnh: Guardian).

Các Thượng nghị sĩ Dân chủ và các nhóm chính trị cánh tả tại Mỹ cho rằng Stephen Bannon là người có khuynh hướng phân biệt chủng tộc và phân biệt giới. Một ngày sau khi công bố lựa chọn Stephen Bannon, các Thượng nghị sĩ Dân chủ đã kêu gọi Tổng thống đắc cử rút lại quyết định này.

Lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số tại Thượng viện Mỹ Harry Reid nhấn mạnh đến sự đoàn kết nước Mỹ mà ông Trump muốn tìm kiếm: “Nếu ông Trump thực sự muốn tìm kiếm sự đoàn kết, thì điều đầu tiên ông ta phải làm là bãi bỏ quyết định lựa chọn ông Stephen Bannon. Bởi vì một người bênh vực tư tưởng phân biệt chủng tộc bước ra từ Phòng Bầu dục sẽ không thể thúc đẩy nỗ lực hàn gắn quốc gia của ông Trump. Tôi phải nói với ông Trump rằng ông ta cần có trách nhiệm, cần nâng cao phẩm cách của những người làm việc trong văn phòng Tổng thống”. 

Còn Thượng nghị sĩ dân chủ của Michigan, Debbie Stabenow nói: “Chúng tôi kêu gọi ông Trump loại bỏ tư tưởng phân biệt chủng tộc khỏi chính quyền của mình. Đặc biệt, việc ông Trump chỉ định Stephen Bannon là một thông điệp hoàn toàn sai lầm gửi tới người dân Mỹ”. 

2. Người phát ngôn của Tổng thống Mexico, ông Eduardo Sánchez cho biết, Chính phủ nước này đã chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch trục xuất hàng loạt người nhập cư của Tổng thống mới đắc cử Mỹ Donald Trump. 

Biên giới Mexico-Mỹ. (ảnh: Wikipedia).

Tờ Politico dẫn lời ông Sánchez nói trong một cuộc họp báo ngày 15/11: “Chúng tôi phải chờ xem có bao nhiêu người bị trục xuất. Tất nhiên, vấn đề này và một số vấn đề khác sẽ là một phần chương trình nghị sự trong các cuộc gặp song phương trong tương lai giữa lãnh đạo Mexico với Tổng thống đắc cử Donald Trump”.

Ông Sánchez cũng cho biết, Ngoại trưởng Mexico Claudia Ruiz Massieu đã lên kế hoạch các biện pháp có thể sẵn sàng áp dụng để đối phó với tình huống nhiều người Mexico bị trục xuất khỏi Mỹ.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn tờ Univision, Đại sứ Mexico tại Mỹ Carlos Sada cho biết, Chính phủ Mexico đang nỗ lực để tăng cường các cơ chế bảo vệ người nhập cư Mexico vào Mỹ. 

3. Ngày 16/11, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho biết chính quyền Damascus sẽ phải "chờ đợi xem" liệu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thay đổi chính sách của Washington về Syria hay không, song khẳng định sẵn sàng hợp tác với ông Trump trong cuộc chiến chống phiến quân. 

Tổng thống Syria Bashar al-Assad. (Ảnh: EPA).

Trong bình luận đầu tiên về chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Tổng thống Assad nói rằng vị Tổng thống đắc cử Mỹ đã đưa ra những lời hứa về sự cần thiết phải chiến đấu chống phiến quân Hồi giáo trong cuộc chiến Syria, nhưng bày tỏ hoài nghi về việc thực thi chúng khi mà "các nhóm vận động và thế lực" đối địch trong chính quyền Mỹ thường gây ảnh hưởng đến Tổng thống Mỹ. 

Ông Assad nêu rõ: "Chúng tôi vẫn hoài nghi về việc liệu ông Trump có thực hiện lời hứa của mình hay không... nhưng có thể nói là nếu ông ta muốn chiến đấu chống khủng bố thì tất nhiên chúng tôi sẽ trở thành đồng minh, như với Nga và Iran." 

4. Chính trường Hàn Quốc tiếp tục chao đảo khi các đảng đối lập nước này bắt tay nhau trong cuộc chiến chống lại bà Park Geun-hye.

Các đảng đối lập Hàn Quốc vừa tuyên bố thống nhất thành lập “mặt trận chung” để gây sức ép lên “chiếc ghế nóng” của Tổng thống Park Geun-hye, yêu cầu bà từ chức. 

Bà Park Geun-hye đối mặt với sức ép từ chức ngày càng tăng. (Ảnh: Rappler).

Chủ tịch đảng Minjoo, đảng đối lập lớn nhất Hàn Quốc, Choo Mi-ae tuyên bố sẽ hợp tác với đảng Nhân dân và đảng Công lý cùng các tổ chức dân sự để thành lập một đơn vị xử lý “tình huống khẩn cấp” của đất nước. 

Ông Moon Jae-in, cựu Chủ tịch Đảng Minjoo đối lập chính tuyên bố sẽ phát động một chiến dịch nhằm buộc bà Park phải “rút lui” vô điều kiện. Trong khi cựu Chủ tịch Đảng Nhân dân đối lập Ahn Cheol-soo cũng thể hiện quan điểm đồng tình khi cho rằng, việc Tổng thống Park từ chức là “con đường để cứu vãn đất nước”, đồng thời kêu gọi vị Tổng thống đang dính líu tới vụ bê bối chính trị gây rúng động này tuyên bố từ chức trước khi bị các công tố viên điều tra. Nhiều lãnh đạo chính trị đối lập thậm chí còn đề nghị Tổng thống Park phải bị luận tội.

3 tuần sau khi có lời xin lỗi chính thức đầu tiên trước công chúng, Tổng thống Park Geun-hye vẫn đang đối mặt với những lựa chọn ngày càng bị thu hẹp, bởi nhiều khả năng bà có thể là vị Tổng thống đương nhiệm đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc bị các công tố viên thẩm vấn. 

5. Một thành viên cấp cao của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), đồng minh chính trị cuả Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 15/11 cho biết, bà Merkel có ý định ra tranh cử trong cuộc bầu cử vào tháng 9/2017. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel (ảnh: Getty).

Phát biểu trên một chương trình của kênh truyền hình CNN (Mỹ), chính trị gia Norbert Roettgen thuộc đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo tiết lộ: bà Merkel sẽ tái tranh cử Thủ tướng. Bà sẽ hành động như một nhà lãnh đạo có trách nhiệm.

Thủ tướng Merkel, nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn nhất châu Âu kể từ năm 2005 đã trải qua năm 2016 đầy sóng gió với một loạt thất bại tại cuộc bầu cử địa phương và bị chỉ trích ngay trong nội bộ đảng cầm quyền về quyết định mở cửa đón hàng trăm nghìn người tị nạn và di cư vào Đức.

Truyền thông Đức đưa tin, vào ngày 20/11 tới, Thủ tướng Merkel sẽ xác nhận ý định ra tranh cử với đảng cầm quyền Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo./.