Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra cho biết, chính phủ nước này đang lên kế hoạch đầu tư 2.570 tỷ baht (tương đương 90 tỷ USD) để phát triển cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và mở rộng kinh tế khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS).

thu-thuong-thai-lan.jpg
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (ảnh: timeslive.co.za)

Phát biểu tại Hội thảo đầu tư Thái Lan ngày 5/10, bà Yingluck Shinawatra  cho biết, dự án trên xuất phát từ thỏa thuận giữa lãnh đạo các nước thành viên trong Hội nghị khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng lần thứ 4 tổ chức ở Myanmar cuối tháng 12/2011. Trong đó các bên đã nhất trí rằng sau hai năm sẽ cùng hợp tác giao thông đường bộ để tăng cường kết nối thương mại, đầu tư cũng như đẩy mạnh lưu thông hàng hóa và dịch vụ trước khi hình thành AEC. Tuyên bố chung về chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng giai đoạn từ 2012-2022 cũng là một cơ chế quan trọng cho sự hợp tác gần gũi hơn trong thập kỷ thứ 3 giữa các thành viên khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.

Bà Yingluck Shinawatra nhấn mạnh sự cần thiết của kết nối khu vực thông qua việc thành lập các hệ thống chuỗi nguồn cung và hậu cần. Ở vị trí trung tâm của ASEAN, Thái Lan sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kết nối này nên chính phủ cần ưu tiên đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng như xây dựng đường sắt cao tốc Lào - Thái Lan, đẩy mạnh phòng chống lũ lụt. Dự kiến, nguồn vốn của dự án chủ yếu từ nguồn đi vay và sẽ được giải ngân trong vòng 7 năm.

Cũng theo Thủ tướng Thái Lan, nhiều công trình thuộc các dự án hạ tầng lớn trong khu vực đang được tiến hành, bao gồm cảng biển nước sâu Dawei ở Myanmar và dự án xây đường cao tốc nối Dawei với khu cảng nước sâu Laem Chabang thuộc miền Đông duyên hải Thái Lan.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Kittiratt Na-Ranong đã kêu gọi các công ty nhà nước chủ động tìm kiếm cơ hội đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các quốc gia láng giềng, nhất là những dự án kết nối giữa các hệ thống hậu cần và giao thông của khu vực./.