Chiều tối 22/7 Nhà vua Thái Lan đã phê chuẩn bản Hiến pháp tạm thời của nước này. Đây là bản hiến pháp đầu tiên sau khi Thái Lan xảy ra cuộc đảo chính quân sự hôm 22/5 và cũng là bản Hiến pháp thứ 19 của Thái Lan với nhiều nội dung đáng chú ý.

chu_tich_uy_ban_bao_ve_trat_tu_quoc_gia_copy_nsuh.jpg Tướng Prayuth Chan-ocha 

Hôm 23/7, Ủy ban Bảo vệ Trật tự Quốc gia (NCPO) họp báo công bố áp dụng bản Hiến pháp tạm thời năm 2014 của Thái Lan với nhiều nội dung quan trọng. NCPO là cơ cấu quyền lực cao nhất được quân đội Thái Lan thành lập sau khi làm đảo chính để điều hành đất nước, do Tư lệnh lục quân, Đại tướng Prayuth Chan-ocha làm Chủ tịch.

Bản Hiến pháp quy định thành lập Hội đồng lập pháp Quốc gia bao gồm 220 thành viên có quyền bỏ phiếu thông qua một Nội các lâm thời gồm 36 thành viên với người đứng đầu là Thủ tướng lâm thời. Tuy nhiên, Hội đồng Lập pháp Quốc gia không có quyền hạn đầy đủ như Quốc Hội. Hệ thống tư pháp gồm tòa án, viện công tố và các cơ quan độc lập giữ nguyên như trước cuộc đảo chính quân sự. Tuy nhiên bản Hiến pháp này quy định thành lập Hội đồng cải cách quốc  gia với 250 thành viên sẽ làm các nhiệm vụ cải cách sâu rộng các vấn đề về chính trị, xã hội, kinh tế… v.v.

Đặc biệt, Hiến pháp tạm thời quy định rõ về vai trò, chức năng, quyền hạn rất lớn của NCPO. Tại điều 44 của Hiến pháp quy định NCPO tiếp tục nắm giữ quyền lực cao nhất trên chính trường Thái Lan, Chủ tịch NCPO có quyền đề cử Thủ tướng, xem xét nhân sự của cơ quan lập pháp, cũng như can thiệp sâu vào nhiều vấn đề quan trọng và toàn quyền trong vấn đề an ninh quốc gia.

Hiến pháp tạm thời Thái Lan năm 2014 cũng đề cập các cơ chế quyền lực quy định trong bản Hiến pháp này, kể cả NCPO sẽ bị giải thể khi Quốc hội và một chính phủ qua bầu cử được thành lập và dự kiến là vào cuối năm 2015. Đáng chú ý, bản Hiến pháp này không quy định việc trưng cầu ý dân đối với việc hình thành bản Hiến pháp mới năm 2015.

Hai điều cuối cùng của bản Hiến pháp bao gồm 48 điều này, bảo lưu hiệu lực của các thông báo và mệnh lệnh do NCPO đưa ra sau cuộc đảo chính, đồng thời ân xá và miễn truy cứu trách nhiệm pháp luật đối với mọi đối tượng tham gia hoặc liên quan đến cuộc đảo chính ngày 22/5/2014.

Theo dư luận chính giới và xã hội Thái Lan, Hiến pháp tạm thời sẽ vẫn trao quyền lực cao nhất cho NCPO. Các cơ chế quyền lực khác như Chính phủ lâm thời, Hội đồng Lập pháp, Hội đồng Cải cách sẽ chịu sự chỉ đạo chi phối của NCPO.

Như vậy là sau đúng 2 tháng sau cuộc đảo chính quân sự (22/5), Thái Lan đã có một bản Hiến pháp tạm thời, làm cơ sở pháp lý cho các hoạt động lập pháp, hành pháp cũng như tiến trình cải cách tại nước này. Việc áp dụng bản Hiến pháp tạm thời năm 2014 là khởi điểm của bước thứ 2 trong lộ trình 3 bước mà giới quân sự Thái Lan công bố sau khi thực hiện cuộc đảo chính, lật đổ chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra./.