Chiếc xe tăng có gắn lá cờ đỏ bất ngờ gặp sự cố nên đứng im bất động khoảng 30 phút trước lăng Lenin. Người ta đã bố trí thiết bị kéo chiếc xe tăng đi nhưng không thành. Một lúc sau, T-14 Armata lại có thể khởi động và di chuyển tiếp.
Tuy nhiên, ngay sau đó Reuters cũng bổ sung lý giải của đại diện ban tổ chức trên RIA: “Đây là một kịch bản được chuẩn bị từ trước. Chúng tôi muốn thử nghiệm làm thế nào để “giải cứu” chiếc tăng trên trận địa”.
Armata được quảng bá là một trong những siêu tăng ấn tượng nhất từng được Nga sản xuất, với các thông số kỹ thuật cho thấy nó có thể sống sót kể cả khi bị trực thăng săn tăng Apache tấn công.
Điểm nổi bật của T-14 Armata là hệ thống tháp pháo được điều khiển từ xa và khoang bọc thép dạng con nhộng dành cho tổ điều khiển 3 người ở phía trước thân xe.
T-14 được trang bị pháo nòng trơn 125 mm, có thể sử dụng nhiều loại đạn hỏa lực mạnh, kể cả tên lửa. Nó được trang bị hệ thống tự động nạp đạn.
T-14 Armata còn sở hữu pháo 30 mm để tiêu diệt các mục tiêu bay tầm thấp như trực thăng. Ngoài ra để đối phó với tên lửa chống tăng, T-14 Armata còn được trang bị súng máy hạng nặng 12,5 mm gắn ở tháp pháo.
Nhiều ý kiến đánh giá rằng, T-14 Armata có thể tự bảo vệ trước mọi nguy cơ. Các chuyên gia quân sự của Nga và phương Tây nhận định, xe tăng Armata sẽ vượt xa tất cả các mẫu xe tăng hiện có trên thế giới.
Tuy nhiên, việc thiết kế chiếc xe bọc thép này chưa được hoàn thiện. Các cuộc thử nghiệm dành cho xe tăng T-14 Armata sẽ bắt đầu trong năm 2016. Tới năm 2020, T-14 Armata mới được sản xuất hàng loạt và đưa vào phục vụ quân đội. Chiếc T-14 trình diễn ngày 9/5 tới vẫn đang trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện.
RIA dẫn lời ông Igor Korotchenko, một thành viên của Hội đồng tư vấn của Bộ Quốc phòng Nga cho biết T-14 Armata là một “kiệt tác hiện đại”, hội tụ những công nghệ sản xuất tăng hiện đại của thế giới./.