Động thái này có thể khiến Libya thêm căng thẳng khi nước này đang bị chia cắt giữa 2 chính quyền riêng biệt, chính quyền của Thủ tướng Fayez Sarraj ở Tripoli và chính quyền ở miền Đông, mỗi bên đều nhận được sự ủng hộ của một số phe phái trong nước và chính phủ nước ngoài.

tuong_haftar_icsl.jpg
Tướng Libya Hafta. Ảnh: RFI.

Sau khi phiên bỏ phiếu kết thúc, Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Sentop tuyên bố: “Trong tổng số 509 phiếu có 325 phiếu thuận và 184 phiếu chống. Như vậy, dự luật triển khai quân đội tới Libya đã được thông qua”.

Dự luật mới quy định quân đội nước này được phép triển khai tới Libya trong trường hợp khẩn cấp với sứ mạng có thể kéo dài tới 1 năm. Tuy vậy, tất cả các đảng đối lập lớn tại Quốc hội đều phản đối chống lại dự luật này. Đảng Cộng hòa Nhân dân (CHP) đối lập chính cho rằng quyết định này sẽ làm leo thang căng thẳng và kéo Thổ Nhĩ Kỳ vào một cuộc xung đột mới, đồng thời cảnh báo về một kịch bản giống cuộc xung đột ở khu vực Đông Bắc Syria.

Giới phân tích nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ khó có khả năng ngay lập tức triển khai quân, thay vào đó sẽ gửi thiết bị và các chuyên gia quân sự tới Libya.

Ông Selcuk Colakoglu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương của Thổ Nhĩ Kỳ nhận định: "Thổ Nhĩ Kỳ có thể điều chuyển một số lực lượng như lực lượng el-Sadat từ Syria sang Libya. Nhưng theo tôi, ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ gửi quân, họ sẽ hạn chế gửi các lực lượng đặc biệt mà về cơ bản họ sẽ ở tuyến sau của mặt trận, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật”.

Động thái này của Thổ Nhĩ Kỳ vấp phải sự phản đối gay gắt của các nước trong khu vực như Ai Cập, Hy Lạp và Síp, cũng như chính quyền miền Đông Libya trung thành với lực lượng của Tướng Haftar. Một số quốc gia, đặc biệt là những nước có biên giới với Libya cảnh báo rằng, sự can thiệp của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào Libya sẽ làm trầm trọng thêm cuộc xung đột ở nước này và gây mất ổn định an ninh khu vực.

Libya vẫn trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Muamar Gaddafi. Hiện nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. Chính phủ Đoàn kết dân tộc được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ. Trong khi đó, lực lượng do Tướng Haftar ở miền Đông Libya được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp.

Từ tháng 4/2018, lực lượng trung thành với Tướng Haftar phát động chiến dịch quân sự nhằm giành kiểm soát thủ đô Tripoli và gần đây đẩy mạnh tấn công các khu vực xung quanh Tripoli. Giao tranh giữa Quân đội miền Đông Libya và các lực lượng ủng hộ Chính phủ Đoàn kết dân tộc từ đầu tháng 4 năm ngoái đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và khoảng 300.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Dư luận lo ngại về khả năng nổ ra một cuộc nội chiến mới, cũng như thảm hoạ nhân đạo tại quốc gia Bắc Phi này./.