Quốc hội mới của Libya hôm qua (2/8) họp phiên đầu tiên trong bối cảnh bất ổn leo thang tại thủ đô Tripoli và thành phố lớn thứ hai Benghazi. Đây là 1 cuộc họp không chính thức mang tính khẩn cấp của Quốc hội Libya nhằm mục đích lập ra một chính phủ mới mà rất nhiều người hy vọng có thể thực sự chấm dứt khủng hoảng tại quốc gia Bắc Phi này.

libya2_gpdv.jpgLo sợ chiến tranh, nhiều người dân Libya tìm cách chạy khỏi đất nước (Ảnh: AAP)

Cuộc họp diễn ra tại một khách sạn được canh gác cẩn mật ở thành phố biển miền Đông Tobruk, nơi được xem là khá yên bình so với 2 thành phố lớn Tripoli và Benghazi giờ đây đã trở nên quá nguy hiểm vì sự hoành hành của các tay súng. Chủ tịch lâm thời Quốc hội Libya Abu Bakar Baira cho biết, đã có gần 160 trong tổng số 200 nghị sỹ Quốc hội có mặt tại cuộc họp khẩn cấp này và đây là một con số đáng vui mừng trong bối cảnh bất ổn hiện nay. Phiên họp chính thức đầu tiên của Quốc hội Libya sẽ diễn ra vào ngày mai (4/8) cũng tại Tobruk.

Ông Baira cho biết: “Một số nghị sỹ không thể có mặt ở đây vì lý do này hay lý do khác nhưng bất chấp điều đó chúng tôi vẫn có đủ số đại biểu quy định. Mặc dù vậy, tốt hơn hết hôm nay chỉ là phiên họp tham vấn để chúng tôi vẫn có thể cho họ có cơ hội tham gia phiên họp chính thức sau đó bởi vì chúng tôi muốn có một đất nước đoàn kết”.

Quốc hội mới được cho là cơ hội duy nhất để Libya tự mình vượt qua được cuộc khủng hoảng hiện nay song các nhà phân tích cho rằng, các đảng phái Hồi giáo và thế tục tại Libya sẽ không dễ dàng gạt đi những bất đồng sâu sắc lâu nay để thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. Thậm chí ngay cả khi thành lập được chính phủ mới thì dư luận vẫn còn rất nhiều hoài nghi về khả năng thực sự vận hành bộ máy quản lý cũng như kiểm soát các đơn vị vũ trang đang chia rẽ hiện nay.

Trong khi đó, giao tranh giữa 2 binh đoàn đối lập Zintan và Misrata vẫn tiếp diễn ở Libya khiến kho chứa nhiên liệu gần sân bay quốc tế ở thủ đô Tripoli hôm qua đã trúng đạn pháo lần thứ 2 liên tiếp trong vòng 1 tuần. Bộ Y tế Libya cho biết, trong 2 tuần qua đã có tổng cộng hơn 200 người thiệt mạng và gần 1.000 người bị thương. Tình trạng bạo lực ở Libya đang ở mức tồi tệ nhất kể từ năm 2011 khi nổ ra cuộc nội chiến, chấm dứt 4 thập kỷ nắm quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Các nước phương Tây đặc biệt lo ngại xung đột leo thang ở Libya có thể đẩy quốc gia Bắc Phi này vào một cuộc nội chiến toàn diện và sẽ ảnh hưởng đến những nước láng giềng như Ai Cập, Tunisia và Algeria.

Hôm qua (2/8), Anh, một trong các nước phương Tây cuối cùng còn mở cửa Đại sứ quán ở Libya cũng đã phải tuyên bố sơ tán toàn bộ nhân viên ngoại giao sang Tunisia. Còn Tunisia thì cũng thông báo đóng các cửa khẩu biên giới chính với Libya sau khi hàng nghìn người nước ngoài sơ tán dồn về đây để ra khỏi nước láng giềng bất ổn.

Bất ổn ở Libya được dự báo sẽ khiến dòng người tị nạn vượt qua biển Địa Trung Hải để đến các nước châu Âu ngày một tăng. Nhiều người có thể bỏ mạng vì những con thuyền không an toàn và quá tải giữa sóng to gió lớn, số còn lại đến được châu Âu cũng sẽ khó xoay xở để được nhập cư, được kiếm sống và tạo một áp lực lớn cho nước sở tại./.