Ông Jang Song-thaek, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên, đã bị xử tử ngay sau khi bị tuyên án vào hôm 12/12. Nhân vật quyền lực số 2 ở Triều Tiên này được Bắc Kinh xem là người thân Trung Quốc và có tư duy thương mại nhiều nhất trong ban lãnh đạo Triều Tiên.

Các nhà ngoại giao và chuyên gia Trung Quốc cho rằng động thái mới nhất này của Triều Tiên sẽ gây xáo trộn lớn cho chiến lược của Trung Quốc thúc đẩy hợp tác kinh tế gần gũi hơn nữa với Triều Tiên.

dac%20khu%20kinh%20te%20rason.jpg
Đặc khu kinh tế Rason của Triều Tiên (ảnh: ColonelThakur )

Ông Jang trở thành nhân vật trung tâm trong chiến lược dài hạn của Trung Quốc về xây dựng cơ sở hạ tầng dọc theo biên giới với Triều Tiên và khuyến khích thương mại và đầu tư xuyên biên giới thông qua các đặc khu kinh tế ở Triều Tiên.

Trung Quốc hậu thuẫn cho Triều Tiên trong Cuộc chiến liên Triều 1950-1953 và hiện vẫn là đối tác thương mại, nhà đầu tư và nhà viện trợ lớn nhất của nước này. Trong 4 năm vừa qua, Bắc Kinh đã đổ tiền vào cơ sở hạ tầng vùng biên, bao gồm 3 tuyến đường sắt cao tốc. Theo các con số thống kê của Trung Quốc, thương mại song phương đạt xấp xỉ 6 tỷ USD trong năm 2012.

Các lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt quan ngại về những cáo buộc của Triều Tiên đối với ông Jang Song-thaek, như tùy tiện bán than và các tài nguyên khác, và cho một “nước ngoài” quyền thuê cảng Rason trong thời hạn 50 năm.

Rason, gần tỉnh Cát Lâm của Trung Quốc ở vùng biên, là một trong vài đặc khu kinh tế mà Triều Tiên lập ra để thu hút đầu tư nước ngoài, na ná như những gì Trung Quốc đã thực hiện hồi thập niên 1980. >> Đọc thêm: Chính sách đầu tư và gây dựng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi

Các cáo buộc nhằm vào ông Jang không đề cập cụ thể đến Trung Quốc nhưng trong các năm gần đây, các công ty Trung Quốc đã đầu tư vào ngành công nghiệp mỏ của Triều Tiên.

Một công ty Trung Quốc đã thuê 1 bến tàu tại Rason, công ty khác thì lại đạt được thỏa thuận để xây dựng một cầu cảng và cơ sở hạ tầng khác ở đó. Một công ty nữa năm 2012 ký 1 thỏa thuận 50 năm nhằm xây dựng một công viên công nghiệp để sản xuất xi măng và các vật liệu xây dựng khác.

Zhu Feng, một chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, nói: “Một số cáo buộc có vẻ gián tiếp tấn công vào Trung Quốc… Không có thay đổi tức thời đối với doanh nghiệp Trung Quốc nhưng về dài hạn, tác động tiêu cực sẽ rất lớn”.

Các doanh nhân Trung Quốc có làm ăn với Triều Tiên cho biết, chưa thấy ảnh hưởng nào đối với các công ty Trung Quốc từ cú ngã ngựa của ông Jang Song-thaek. Nhưng một số vị nói rằng họ lo ngại khi biết tin về cái chết của ông này và những cáo buộc nhằm vào ông ta, đặc biệt là những cáo buộc liên quan đến thành phố cảng Rason.

Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc ở Triều Tiên đều dè chừng về mức độ cam kết của Triều Tiên đối với các đặc khu kinh tế kể từ lúc ông Kim Jong-il - cha của đương kim lãnh đạo Kim Jong-un - bắt đầu thử nghiệm các khu kinh tế này vào đầu thập niên 1990.

Sau nhiều năm, cuối cùng ông Jang Song-thaek đã thổi một luồng sinh khí mới vào ý tưởng đặc khu kinh tế này vào khoảng năm 2009. Ông Jang đã tháp tùng lãnh tụ Kim Jong-il đi tham quan các khu công nghiệp Trung Quốc và dự lễ ký kết các thỏa thuận kinh tế của Trung Quốc tại Triều Tiên.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (phải) bắt tay ông Jang Song-thaek, Trưởng Ban Hành chính Trung ương của Đảng Lao động Triều Tiên tại Bắc Kinh vào ngày 17/8/2012 (ảnh: China Daily)

Ông Jang cũng đã thăm Trung Quốc vào tháng 8/2012 với tư cách là trưởng phái đoàn Triều Tiên sang thảo luận hợp tác kinh tế với Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc khi ấy là Hồ Cẩm Đào được truyền thông nhà nước Trung Quốc trích dẫn phát biểu như sau: “Đồng chí Jang Song-thaek đã làm được nhiều việc để phát triển mối quan hệ láng giềng hữu hảo”.

Trong chuyến thăm lần đó, ông Jang đã chủ trì một hội nghị thương mại ở Bắc Kinh nhằm thu hút thêm đầu tư từ Trung Quốc. Cùng tháng 8 năm đó, Trung Quốc công bố thiết lập một quỹ 3 tỷ nhân dân tệ (490 triệu USD) để đầu tư vào Triều Tiên.

Một chuyên gia Trung Quốc tin rằng vụ hạ bệ người chú rể của Kim Jong-un là do cuộc đấu tranh nội bộ chứ không phải là do Triều Tiên phản đối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Wang Sheng, một chuyên gia về vấn đề Triều Triên tại Đại học Cát Lâm thì xem “trường hợp cho 1 nước ngoài thuê đất trong 50 năm được đề cập [trong cáo trạng dành cho ông Jang] chỉ là khác biệt ý kiến trong nội bộ Triều Tiên về đường đi nước bước cụ thể trong việc cải cách mở cửa”.

Tuy nhiên, hiện nay Bộ Ngoại giao Trung Quốc đang thận trọng trong cách phản ứng về những diễn biến mới ở Triều Tiên, bày tỏ hy vọng về ổn định và phát triển kinh tế.  >> Đọc thêm: Hàn Quốc lo Triều Tiên khiêu khích sau vụ xử tử

Trong 1 phỏng vấn nhanh với đài truyền hình Phượng Hoàng có trụ sở ở Hong Kong vào ngày 16/12, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng nước này đang theo dõi chính sách đối nội và đối ngoại của Triều Tiên và “hy vọng sẽ không có bất cứ thay đổi lớn nào”.

Công ty Đầu tư Hải ngoại Trung Quốc, điều hành quỹ đầu tư nói trên, đã thông báo chi tiết về 20 dự án Triều Tiên tìm kiếm đầu tư của Trung Quốc.

Chuyên gia Zhang Qi thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Trung Hoa cho biết, họ hiện đang nghe ngóng xem liệu nhà lãnh đạo Kim Jong-un có tiếp tục con đường cải cách và mở cửa hay không. Ông nói: “Hiện còn quá sớm để nói trước điều gì, nhưng chính phủ Trung Quốc thật sự để tâm nhiều đến vấn đề này. Ông Kim Jong-un không có quan hệ gần gũi với Trung Quốc như là ông Jang Song-thaek”./.