Binh lính Hàn Quốc có mặt khắp nơi tại phía nam của khu phi quân sự. Họ canh gác các tòa nhà và đứng chặn tại các con đường nối giữa 2 miền Triều Tiên để ngăn chặn những kẻ cố tình xâm nhập trái phép.
Ngày nay, những người muốn xâm nhập vào đây không còn là những binh lính Triều Tiên nữa mà chủ yếu là khách du lịch quốc tế. Với việc bức tường Berlin và Liên bang Xô Viết không còn tồn tại nữa, du khách giờ đây đang đổ xô đến khu vực phi quân sự giữa 2 miền Triều Tiên, khu vực được canh gác cẩn mật nhất thế giới được thiết lập từ 60 năm trước. Tuy nhiên những gì nhìn thấy tại đây có vẻ cuốn hút hơn là đáng sợ.
Không khí lễ hội tại khu phi quân sự
Ở phía nam của khu vực phi quân sự này, rất nhiều cửa hàng lưu niệm bán áo phông, chocolate, mũ bóng chày cũng như những mẩu dây thép gai “thứ thiệt” của khu phi quân sự này được gắn trên những mảnh gốm. Nhiều cửa hàng khác thì bán những chai rượu bụi bặm của Triều Tiên và những mô hình binh lính thu nhỏ.
Lũ trẻ thích thú với trò chơi Siêu hải tặc Viking (Ảnh Reuters) |
“Những khách du lịch trung niên đến đây thường thích mua quần áo cho con cháu mình”, Cho Hyang Hwa, 1 người dân tộc có 2 quốc tịch Trung-Hàn làm việc tại 1 cửa hàng cho biết.
Cách không xa những hàng rào dây thép gai và những người lính bồng súng đứng gác, lũ trẻ đang la hét 1 cách thích thú khi ngồi trên 1 con tàu khổng lồ đu đưa trên không trung.
Trò chơi có tên gọi Siêu hải tặc Viking này không hề gợi nhớ gì đến khu vực phi quân sự. Đây là trò tiêu khiển thú vị nhất của Vùng đất Hòa bình- 1 khu công viên với chủ đề siêu thực nhỏ có tầm nhìn hướng về những dãy núi trùng điệp của Triều Tiên.
Tiếng nhạc pop rộn rã của trò Siêu hải tặc Viking này chỉ bị át đi bởi tiếng trực thăng quân sự của Mỹ thỉnh thoảng lại bay là là ở khu công viên trước khi biết mất hoàn toàn sau những ngọn cây.
Gần đó, những người công nhân đang dựng lên hình tượng 1 củ nhân sâm khổng lồ được đan từ cây gai dầu cho một lễ hội truyền thống. Đất tại khu vực phi quân sự này được cho là nơi trồng được những củ nhân sâm tốt nhất ở cả 2 miền Triều Tiên.
“Tôi rất ngạc nhiên khi thấy không khí nơi đây hoàn toàn khác xa những gì mà tôi vẫn tưởng tượng”, Park Kyung-doo, một nữ sinh Hàn Quốc cho biết, “Điều này là rất tốt đối với nhiều du khách, nhưng đối với tôi, một người đến đây để tìm hiểu về Triều Tiên thì tôi lại không hoàn toàn được thỏa mãn”.
Bóng ma “chiến tranh lạnh”
Khách du lịch cũng đổ về khu vực phía bắc của khu phi quân sự nhưng không khí ở đây có phần trầm lắng hơn. 1 điểm tham quan thu hút nhiều khách du lịch là khu Làng Hòa bình, 1 khu vực bao gồm nhiều tòa nhà trống thường được người Hàn Quốc gọi là Làng Tuyên truyền.
Cảnh quan đẹp nhất ở đây chính là 1 cột cờ cao 160m được dựng một cách có chủ ý để trở thành công trình cao nhất ở Làng Hòa bình, một thị trấn nhỏ ở khu vực do Hàn Quốc quản lý tại khu phi quân sự.
Khu vực phi quân sự này trải dài khoảng 240km dọc theo vĩ tuyến 38 được vạch ra theo hiệp định đình chiến năm 1953, kết thúc 3 năm giao tranh giữa 2 nước nhưng vẫn đặt 2 miền Triều Tiên vào tình trạng chiến tranh vẫn còn tồn tại đến bây giờ.
Khu vực này rộng khoảng 4km và nơi thu hút nhiều khách du lịch nhất thì nằm cách thủ đô Seoul 1h lái xe về phía Bắc.
Trong hàng chục năm đình chiến, việc du lịch đến khu phi quân sự chỉ chủ yếu dành cho các nhân vật quan trọng của hai nước Triều Tiên và Hàn Quốc.
Triều Tiên sau đó mở cửa cho khách du lịch đến khu vực do mình quản lý vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Hàn Quốc thì bắt đầu khai thác du lịch ở khu vực do mình quản lý từ năm 2002 khi Paju, một thành phố nằm tiếp giáp với khu vực này bắt đầu quảng bá du lịch để thúc đẩy kinh tế địa phương.
Trong những thuật ngữ liên quan đến khu vực phi quân sự này thì biên giới thực sự chia cắt 2 miền Triều Tiên được gọi là Đường cắm mốc quân sự (MDL). Khu vực bên trong khu phi quân sự và gần sát nhất với khu MDL được gọi Khu vực An ninh chung (JSA).
Những điều khách du lịch cần biết
Khách du lịch được khuyến cáo là nên đặt tour và mang theo hộ chiếu bên mình thay vì tự mình lái xe thẳng đến khu vực phi quân sự vì chỉ cần nhầm lẫn một chút là họ có thể tự gây ra rắc rối cho mình.
Họ cũng được khuyên là nên hỏi trước các điểm mà mình sẽ thăm quan vì một số danh thắng trong khu vực này thì đẹp hơn rất nhiều so với những điểm tham quan khác.
Điều tuyệt với nhất đối với du khách là được đứng mỗi chân 1 bên tại khu vực chia cắt 2 nước từ thời Chiến tranh lạnh, 1 việc chỉ được thực hiện bên trong 1 trong những chiếc lều màu xanh của Liên Hợp Quốc tại JSA nơi có kê một chiếc bàn gỗ dọc theo tuyến biên giới. Thông thường, những người ngồi tại chiếc bàn này là những du khách chứ không phải là những nhà đàm phán của Triều Tiên hay Hàn Quốc.
Bất chấp không khí lễ hội tại đây, việc đến thăm khu vực phi quân sự đôi lúc có thể gây ra căng thẳng. Tháng 9 năm nay, binh lính Hàn Quốc đã bắn chết 1 người đàn ông đã cố gắng xâm nhập vào Triều Tiên bằng cách bơi dọc theo con sông tiếp giáp với khu phi quân sự này.
Các quy định thông thường không cho phép khách du lịch đi dép xỏ ngón và nhuộm tóc mày sáng vào khu JSA. Việc chỉ trỏ, la hét hay làm động tác hướng về phía Triều Tiên đều bị cấm ngặt và quân đội Mỹ yêu cầu du khách ký vào bản cam kết tự chịu trách nhiệm hoàn toàn trong trường hợp có điều gì không may xảy ra.
Tuyên truyền từ 2 phía
Ở phía bắc của khu vực phi quân sự, các quy định lại được nới lỏng hơn nhiều. Khách du lịch mang dép xỏ ngón và thậm chí là nhuộm tóc xanh vẫn được chấp thuận. Khách du lịch phải xếp hàng để đi vào trong JSA để nghe các sỹ quan Triều Tiên thuyết trình về mối quan hệ Triều Tiên-Hàn Quốc.
Bài thuyết trình này sau đó được tiếp diễn tại 1 chiếc lều bên ngoài khu JSA nơi được sử dụng để ký hiệp định đình chiến. Tại đây du khách được “tuyên truyền” rằng Hàn Quốc đã khơi mào cuộc chiến tranh 1950-1953 và nghe những lời khuếch trương thanh thế về “sức mạnh không thể ngăn chặn nổi” của Quân đội Nhân dân Triều Tiên.
Câu chuyện của Hàn Quốc có nhiều điểm khác biệt nhưng cũng không kém phần “cường điệu”.
“Tôi vừa đến 1 đài quan sát mà ở đó họ chiếu một đoạn video thuyết trình rất chân thực nhưng vẫn mang nặng tính tuyên truyền”, David Welch, 1 chuyên gia an ninh từ Canada đến thăm Seoul cho hay, “Tôi có thể hiểu được rằng việc tuyên truyền đòi hỏi một sự thể hiện đầy nhiệt huyết, nhưng tôi nghĩ rằng việc tuyên truyền này sẽ hiệu quả hơn nếu nó không quá lộ liễu như vậy”.
1 điểm tham quan hàng đầu nữa là Địa đạo số 3, 1 trong số 4 đường ngầm được người Triều Tiên đào bên dưới khu phi quân sự và bị người Hàn Quốc phát hiện ra. Tới đây, du khách sẽ đội những chiếc mũ cứng và đi xuống dưới những khu buồng giam chật chội. Việc leo lên khỏi địa đạo này cũng rất khó khăn.
Tại khu phi quân sự phía Hàn Quốc còn có một đài quan sát nằm trên 1 đỉnh núi với rất nhiều những kính thiên văn nhỏ hoạt động bằng tiền xu để du khách có thể nhìn sang phía Triều Tiên. Việc chụp hình chỉ được thực hiện tại 1 đường vạch khá xa phía sau của khu vực quan sát.
Khách du lịch tới khu phi quân sự giảm nhẹ sau khi có những căng thẳng về quân sự giữa 2 nước vào đầu năm nay nhưng ngay sau đó lại tăng vọt. Du khách đến từ khắp nơi nhưng chủ yếu là Mỹ, châu Âu và châu Á.
“Việc đi du lịch thế này có nguy hiểm không? Không hề!”, Xin Qin, một người đàn ông 25 tuổi đến từ Tứ Xuyên, Trung Quốc cho biết, “Tôi có hồi hộp không? Không, tôi chỉ tò mò thôi”.Một số hình ảnh du khách tại khu phi quân sự:
Một du khách khoe vật lưu niệm tại khu phi quân sự (Ảnh Reuters) |
Một quầy hàng tại đây (Ảnh Reuters) |
Nhóm du khách chụp ảnh bên cạnh bức tượng cảnh sát Hàn Quốc (Ảnh Reuters) |
Khách du lịch quan sát Triều Tiên từ phía Hàn Quốc (Ảnh Reuters) |